Tam Thanh tập trung phát triển kinh tế hộ

07:06, 19/06/2012

Xã Tam Thanh (Vụ Bản) có trên 417ha đất nông nghiệp. Những năm gần đây, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các vùng chuyên canh, đồng thời khuyến khích các hộ dân tận dụng diện tích đất trũng ở vùng bãi bồi ven sông để xây dựng các mô hình kinh tế VAC.

Trang trại nuôi gà công nghiệp của gia đình ông Lương Mạnh Hà, ở thôn Lê Xá, xã Tam Thanh (Vụ Bản).
Trang trại nuôi gà công nghiệp của gia đình ông Lương Mạnh Hà, ở thôn Lê Xá, xã Tam Thanh (Vụ Bản).

Đến nay, xã đã hình thành được 3 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gồm: Vùng sản xuất lúa năng suất cao 417ha, vùng đồng màu hơn 41ha, vùng chăn nuôi tổng hợp 44ha tập trung ở các thôn Quảng Cư, Lê Xá, Phú Thọ… Vụ xuân 2012, xã xây dựng cơ cấu giống với 60% lúa thuần chủ yếu là Bắc thơm số 7; 30% lúa lai D.ưu 527, Nhị ưu 838; còn lại là các giống khác như nếp N87, N97. Xã khuyến khích nông dân gieo cấy khảo nghiệm các giống lúa, qua đó chọn lựa các giống có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất; từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Giống lúa nếp đặc sản Lang Liêu đã được xã gieo cấy thử nghiệm từ vụ mùa 2010 với diện tích 3 sào, tập trung ở các thôn An Lạc, năng suất bình quân đạt gần 240kg/sào với giá bán 11 nghìn đồng/kg, cao gấp gần 2 lần so với lúa thường. Từ vụ mùa năm 2011, xã đã mở rộng diện tích cấy nếp Lang Liêu hơn 3 mẫu tập trung ở thôn An Lạc, Phú Thứ. Xã còn xây dựng các mô hình trình diễn các giống lúa khác như Syns 6, Thái xuyên 111 với diện tích từ 1-2 mẫu, tập trung ở các thôn An Lạc, năng suất trung bình hơn 2 tạ/sào. Từ vụ xuân 2009, xã đã gieo sạ hàng được 20 mẫu, đến nay, mở rộng diện tích gieo sạ hàng hơn 100 mẫu, vừa tăng năng suất, vừa chủ động được thời gian tạo quỹ đất sớm phục vụ phát triển sản xuất cây vụ đông. Tại vùng đồng màu, xã tập trung luân canh các vụ theo cơ cấu: lạc xuân, ngô + đậu tương, cây lạc hè thu + rau màu ngắn ngày trong vụ đông. Vụ xuân năm 2012, diện tích lạc xuân của xã đạt 60ha các giống chất lượng cao như Sán dầu 30, Trạm dầu 207…, năng suất trung bình đạt hơn 40 tạ/ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn xã hiện có 23 gia trại nuôi lợn, trung bình mỗi gia trại nuôi từ 30-50 con; 2 trang trại nuôi gà công nghiệp với quy mô gần 1 vạn con có mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Trên diện tích hơn 500m2, ông Trương Anh Dũng ở xóm Nảy xây dựng 27 ô chuồng chia thành 2 dãy, nuôi lợn nái và lợn thương phẩm đồng thời xây hầm biogas với dung tích hơn 100m3 để đảm bảo vệ sinh môi trường. Trung bình mỗi tháng ông xuất bán được hơn 2 tấn thịt lợn hơi. Năm 2011, tổng doanh thu từ chăn nuôi lợn của gia đình ông đạt hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông có hơn 3 sào ao nuôi cá truyền thống và vườn trồng màu, có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Ở vùng bãi bồi ven sông Sắt, trên tổng diện tích hơn 44ha, xã khuyến khích bà con chuyển đổi sang mô hình cá lúa và nuôi thuỷ sản. Anh Lê Xuân Toản ở thôn Lê Xá cho biết: “Được xã hỗ trợ, gia đình tôi đã chuyển đổi được hơn 1 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình cá luồn lúa, đồng thời đào được hơn 1,2 mẫu ao nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, mè, mỗi năm thu hơn 3 tấn”. Ngoài ra, anh Toản còn trồng cây lấy gỗ như lát, bạch đàn ở bờ vùng, bờ thửa. Bình quân mỗi năm tổng thu của gia đình anh Toản đạt gần 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Đến nay, mô hình cá luồn lúa của gia đình anh Toản đã được nhiều hộ đến tham quan, học hỏi và nhân rộng như hộ các anh Lê Văn Tuyển, Lê Văn Quang. Năm 2011, tổng giá trị thu nhập từ chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản của xã Tam Thanh đạt hơn 15 tỷ đồng.

Xã Tam Thanh còn có thế mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng, nghề thêu ren, móc sợi. Xưởng thêu ren, móc sợi của ông Nguyễn Viết Giáp ở thôn Dư Duệ tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động với thu nhập trung bình 80-90 nghìn đồng/lao động/ngày và hàng chục lao động thời vụ. Thời gian tới, được sự hỗ trợ của Bộ NN và PTNT khi thực hiện nạo vét sông Sắt, xã tập trung xây dựng tuyến đường dài hơn 3km, bề mặt rộng hơn 7m kéo dài từ đường 486 đến sông Cầu Đen chạy xuyên qua thôn Tiền, thôn Phú Thứ, thôn An Lạc, từ đó thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 15 triệu đồng/năm, phấn đấu năm 2012 đạt hơn 18 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com