Tính thanh khoản kém, công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, quản trị ngân hàng (NH) yếu và đặc biệt là tỉ lệ nợ xấu gia tăng… là những trở ngại, yếu kém cần khắc phục của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, do đó việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) là giải pháp cấp thiết lúc này.
Phát triển nhanh về số lượng trong thời gian ngắn
Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, tính tới tháng 4-2012, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam có tổng cộng 139 đơn vị, trong đó hệ thống NHTM đóng vai trò chi phối thị phần tín dụng 86,47% toàn hệ thống.
Mặc dù tăng nhanh về số lượng, nhưng năng lực tài chính của các NHTM còn yếu do vốn điều lệ thấp. Bởi vốn điều lệ của NHTM chính là sức mạnh tài chính của ngân hàng đối với khách hàng, nếu NHTM có vốn điều lệ lớn sẽ hạn chế thấp nhất những rủi ro trong kinh doanh. Chính vì vậy, NHNN đã ban hành quy định về tăng vốn điều lệ theo Nghị định Chính phủ (Nghị định Chính phủ ban hành danh mục mức vốn pháp định của các TCTD, NH phải có vốn điều lệ ít nhất 1.000 tỷ VNĐ năm 2006, đến 2010 là 3.000 tỷ VNĐ).
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”, tháng 6-2012. |
Để đáp ứng quy định này, các NHTM đồng loạt gia tăng quy mô vốn điều lệ một cách nhanh chóng, nhưng sự lớn mạnh này chưa thực sự chất lượng khi hết năm 2010 vừa qua mới chỉ có 42 NHTM có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ VNĐ trở lên. Tuy nhiên trong quá trình tăng vốn điều lệ, trong nội bộ hệ thống các NHTM Việt Nam đã xuất hiện tình trạng sở hữu chéo. Điều này càng làm tăng tính rủi ro hệ thống trong hệ thống các NHTM. Chưa kể các NHTM trong nước phải chịu sự cạnh tranh rất lớn đối với các NHTM nước ngoài khi chúng ta gia nhập WTO.
Đề cập vấn đề này, thạc sĩ Vũ Thị Phương Hoa, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho rằng, kể từ năm 2000 đến nay, thị trường tài chính Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, chủ yếu nhờ các chính sách tự do hóa và nới lỏng. Tuy nhiên chính sự phát triển vượt bậc này đã tích tụ nhiều rủi ro cho nền kinh tế nói chung và cho hệ thống tài chính nói riêng. Đồng thời những rủi ro này thực sự là mối đe dọa cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tính cấp thiết của tái cấu trúc hệ thống
Theo TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Trường Đại học Tài chính - Marketing, sau 5 năm hội nhập, ngoài sự phát triển nhanh chóng về số lượng, các NHTM Việt Nam dần bộc lộ rõ các nhược điểm yếu kém, dẫn đến việc các NH này không còn thực hiện tốt chức năng là tổ chức trung gian để phục vụ tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trong khi đó trong kinh tế thị trường thì hoạt động của các tổ chức trung gian tài chính là hết sức quan trọng, để khơi thông nguồn vốn của nền kinh tế, tài trợ hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp… Vì vậy khi hệ thống NHTM khủng hoảng thì kéo theo khủng hoảng của nền kinh tế hoặc sự khủng hoảng ở một NHTM lớn có thể gây ra hiệu ứng “Đômino” lan truyền trong toàn hệ thống NH và nặng nề hơn là toàn nền kinh tế.
Cùng đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Duy, NHNN Việt Nam cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cho hệ thống TCTT Việt Nam nhiều cơ hội phát triển, song cũng đặt hệ thống NH Việt Nam trước nhiều rủi ro và bất ổn. Việc tái cấu trúc lại hệ thống các TCTD là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức giúp cho hệ thống TTCD phát triển một cách an toàn, hiệu quả, vững chắc đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
TS Ngô Xuân Thanh, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính khẳng định, chính từ thực tế hoạt động của hệ thống NHTM ngày càng lộ diện những bất cập cần phải giải quyết, đồng thời chúng ta phải đi đúng lộ trình cam kết với các tổ chức quốc tế về hội nhập của khu vực tài chính. Do đó việc tái cơ cấu hệ thống NHTM là yêu cầu khách quan của sự phát triển mà Đảng và Nhà nước chỉ rõ trong Hội nghị 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI...
Theo baovanhoa.vn