Làng nghề dệt chiếu Phương Đức xã Hải Bắc (Hải Hậu) được hình thành từ những năm 1940. Những năm 1960-1986 ở xã đã có HTX đay chiếu cói, nghề dệt chiếu phát triển mạnh, thu hút nhiều lao động địa phương. Ngoài tiêu dùng trong nước, sản phẩm từ cây cói và chiếu ở xã được xuất khẩu sang các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô cũ, sau đó dần mai một.
Quyết tâm giữ nghề, ông Trần Văn Bích và một số người ở thôn Phương Đức đã thành lập tổ hợp sản xuất để khôi phục làng nghề. Tổ hợp lo nguyên liệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nguyên liệu được khai thác tại địa phương và các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa sau đó giao cho các hộ gia công. Sản phẩm chiếu cói Phương Đức cung cấp cho các đơn vị quân đội, công an và các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện làng có 90 hộ dệt chiếu. Trung bình mỗi ngày 2 lao động dệt được 6 lá chiếu đôi hoặc 8 lá chiếu cá nhân, ngày công khoảng 50 nghìn đồng/người. Những người thợ giỏi như các ông: Bùi Văn Tỉnh, Trần Văn Hai, Nguyễn Văn Năm, Trần Văn Bích, bà Bùi Thị Dựng… chuyên sản xuất chiếu đôi phục vụ khách sạn, hội làng, lễ cưới với giá trên 300 nghìn đồng/đôi. Phần lớn các hộ làng nghề sản xuất chiếu với giá 120 nghìn đồng/đôi. Mỗi tháng, làng nghề sản xuất gần 7.000 đôi chiếu các loại. Để tăng năng suất lao động, năm 2009, gia đình ông Bích đã đầu tư trên 150 triệu đồng mua máy dệt chiếu chạy điện, năng suất cao gấp hàng chục lần so với dệt thủ công. Ngoài ra, ông Bích còn thu mua chiếu bán tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông cho biết: “Các dân tộc ở miền núi phía Bắc có nhu cầu sử dụng chiếu khá lớn và hầu hết các gia đình mỗi năm đều mua một đôi chiếu mới nên đầu ra cho sản phẩm ổn định”. Do đa dạng sản phẩm, các hộ sản xuất chiếu đôi, chiếu đơn sử dụng được tối đa nguyên liệu góp phần hạ giá thành sản phẩm.
Thời gian gần đây, một số hộ của các xã Hải Hưng, Hải Phương cũng sang học nghề và nhận hàng về gia công. Cây cói một năm có 2 mùa thu hoạch như cấy lúa. Để chủ động nguồn nguyên liệu, tổ hợp đã tính toán lượng nguyên liệu dự trữ thời điểm mua dự trữ để có giá thành rẻ nhất. Nghề dệt chiếu giá trị ngày công chưa cao so với một số nghề khác nhưng người thợ tranh thủ được thời gian nhàn rỗi và có việc làm ổn định. Theo ông Nguyễn Văn Tinh, trưởng thôn Phương Đức, thu nhập từ sản xuất chiếu chiếm trên 50% thu nhập của làng nghề. Xã Hải Bắc luôn tạo điều kiện cho các hộ mở rộng sản xuất như cho vay vốn, tiêu thụ sản phẩm…
Bài và ảnh: Hữu Quyết