Nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước đột phá và thành tựu lạc quan. Tuy nhiên nếu nói cho công bằng thì vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng, thiếu sự bền vững, chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Những thành công
Từ một quốc gia thiếu lương thực trầm trọng, giờ đây Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới (duy trì nhiều năm nay đứng trong tốp 3 hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo). Từ một nước nằm trong nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới, hiện nay Việt Nam đã vươn lên trong nhóm nước có mức thu nhập trung bình (tuy chỉ là trung bình thấp). Sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng có những cải thiện tích cực. Nhiều loại hàng hoá của Việt Nam thâm nhập rộng khắp thị trường thế giới, một số mặt hàng "made in Vietnam” đã có chỗ đứng khá vững chắc ở nhiều thị trường khó tính (Mỹ, EU, Nhật…). Với những chính sách khá thông thoáng, hấp dẫn được điều chỉnh linh hoạt đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác nước ngoài tìm đến Việt Nam đầu tư. Các dự án có vốn FDI và ODA hiện diện ở khắp các địa phương tỉnh, thành của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam những năm qua đã có nhiều bước đột phá và thành tựu lạc quan Ảnh: Internet |
Việc khởi sắc của nền kinh tế cho thấy của cải làm ra nhiều hơn và đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Năm 2011, tổng GDP của Việt Nam đạt gần 120 tỷ USD (năm 2006 là 53 tỷ USD). Năm 2006, GDP bình quân đầu người là 640 USD, thì năm 2011 đạt trên 1.300 USD/người. Đặc biệt, chúng ta đã ra khỏi nhóm quốc gia kém phát triển. Hiện nay, hàng hoá của Việt Nam được mở rộng tới tất cả nền kinh tế thành viên của WTO (đó là chưa kể nhiều quốc gia chưa là thành viên của WTO, nhưng Việt Nam vẫn đang có quan hệ hợp tác khá hiệu quả). Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 48,56 tỷ USD. Năm 2011, con số này là trên 96 tỷ USD. Trong quý I năm 2012, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước đạt 24,5 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 24,8 tỷ USD. Như vậy, tình trạng nhập siêu luôn cao, thì giờ đây đang có xu hướng cân bằng hơn giữa nhập khẩu và xuất khẩu…
Với những thành công và kết quả trên cho thấy, Việt Nam đã và đang hội nhập khá "chững chạc” vào đời sống kinh tế thế giới. Song, không vì thế mà chủ quan, bởi nền kinh tế Việt Nam qua 27 năm đổi mới vừa qua còn nhiều những bất cập và phát triển chưa tương xứng.
Cần đột phá bền vững
Một thực tế không thể phủ nhận là, mặc dù có nhiều khởi sắc, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang "loay hoay” để định dạng mình. Tuy có nhiều định hướng đúng mang tính đột phá, nhưng khi triển khai trong thực tiễn vẫn lúng túng, không rõ, thiếu tính triệt để. Công tác quy hoạch mang nặng tính nhiệm kỳ và "cát cứ” địa phương, chưa tạo ra sự liên kết chặt chẽ và có tầm nhìn dài hơi. Cách doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước chưa tạo lập được thương hiệu nổi tiếng, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học công nghệ yếu (một số tập đoàn, Tổng Cty liên tục thua lỗ). Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược cạnh tranh hiệu quả, chưa khẳng định được uy tín, chất lượng và thị phần trên thị trường khu vực và thế giới.
Hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là làm gia công, nên luôn bị phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam, nhưng xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, nguyên khai. Công tác dự báo và thị trường đầu ra với nhiều mặt hàng chưa ổn định, nhất là với sản phẩm của ngành nông nghiệp, nên dẫn đến điệp khúc "được mùa, mất giá”, "được mùa, không vui” liên tục diễn ra. Bên cạnh đó là tình trạng đua nhau phát triển khu công nghiệp, phát triển cảng biển, sân bay. Tình trạng ô nhiễm môi trường do nhiều dự án của các doanh nghiệp gây ra và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên ngày càng trầm trọng…
Tất cả những bất cập trên đang cản trở và tác động xấu tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng xem ra mới dừng lại ở "giải pháp tình thế”. Nền kinh tế Việt Nam đang cần nhiều hơn những bước đột phá thực chất và bền vững. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế được trình Quốc hội trong tháng 5 và 6 năm 2012 hy vọng sẽ được hoàn chỉnh để sớm đưa vào triển khai trong thực tiễn. Đây được xem là "hiệp 2” của sự nghiệp đổi mới để đưa Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Đề án nào và giải pháp nào chăng nữa, thì phát triển bền vững luôn là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước, trên cơ sở kết hợp hài hoà ba trụ cột của sự phát triển, đó là: Phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Trong đó, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và đây cũng là mục tiêu mà chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam cần hướng tới. Ba mục tiêu chủ yếu trong đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế để hướng tới tăng trưởng xanh của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020, đó là: Giảm cường độ phát thải cacbon và tăng cường sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; Xanh hoá sản xuất; Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững./.
Theo daidoanket.vn