Năm tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước chỉ tăng ở mức 4,2%, thấp hơn mức tăng 9,2% của năm tháng đầu năm 2011. Đây cũng là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ trong vòng ba năm gần đây (năm tháng năm 2010 tăng 8,7%; 2011 tăng 9,1%).
Có thể thấy, mặc dù so với quý I vừa qua, sản xuất công nghiệp có chuyển biến, nhưng tốc độ tăng trưởng còn rất thấp so với cùng kỳ các năm trước. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của các DN trong nước cũng chỉ tăng 8,4%, thấp hơn rất nhiều so cùng kỳ năm 2011 (34,1%). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp này thể hiện thị trường tiêu thụ ở nước ngoài của DN cũng đầy khó khăn. Không giống như hồi năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều DN gặp khó ở thị trường xuất khẩu đã tìm cách quay trở lại khai thác thị trường trong nước và thời điểm đó, thị trường trong nước như một điểm tựa cho các DN trong nước từng bước vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, năm nay, tình hình hoàn toàn khác bởi DN khó cả ở thị trường trong nước và ngoài nước. Năm tháng qua, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ chỉ tăng 6,6%, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng ở mức thấp 2,78% so với tháng 12-2011, càng cho thấy tiêu dùng trong nước đang sụt giảm mạnh. Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 1-5-2012, chỉ số tồn kho đã tăng tới 29,4%. Chính vì thế, vấn đề giải quyết thị trường đầu ra, giảm hàng tồn kho cho các DN đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Siêu thị BigC Nam Định đã ký hợp đồng tiêu thụ hàng nông sản lâu dài với gần 20 doanh nghiệp và HTX dịch vụ ở trong tỉnh. Ảnh: Xuân Thu |
Một loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các DN theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đã được các bộ, ngành khẩn trương triển khai. Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư số 83/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 13/NQ-CP, giúp các DN cải thiện nguồn vốn lưu động nhờ số tiền nộp thuế được giữ lại. Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định thực hiện áp trần lãi suất cho vay 13%/năm đối với bốn lĩnh vực ưu tiên (áp dụng từ ngày 11-6) cùng nhiều biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng cho các DN. Có thể thấy, những giải pháp này nhằm tháo gỡ khó khăn về đầu vào cho DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy DN gặp khó khăn không chỉ ở đầu vào mà cả ở đầu ra.
Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra một loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Vì vậy, cùng với việc thực hiện các giải pháp gỡ khó cho DN ở đầu vào, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ DN tìm đầu ra để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho. Cần đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn FDI, ODA, coi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng tổng cầu, giảm hàng tồn kho các mặt hàng như xi-măng, sắt, thép... và kích thích tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hoạt động tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ cả trong nước và ngoài nước theo hướng chủ động tích cực, bảo đảm hiệu quả. Về phía DN, cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm trong sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Nhằm khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua trong dân thì DN cần tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá. Sức mua tăng sẽ tạo đầu ra cho các sản phẩm, hàng hóa, giúp DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho...
Theo nhandan.com.vn