Nhà máy may Đại Thắng (Vụ Bản) do Cty CP May 4 đầu tư xây dựng. |
Những năm gần đây, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định là doanh nghiệp đã đầu tư có hiệu quả về địa bàn nông thôn. Tổng Cty đã xây dựng được các đơn vị dệt khăn ở làng Dịch Diệp, xã Phương Định và Thị trấn Cổ Lễ; doanh nghiệp Dệt vải Thịnh Hưng ở CCN Trực Phương (Trực Ninh). Để góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh, Tổng Cty đã đầu tư xây dựng các nhà máy may công nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Hiện tại, nhiều nhà máy may của các Cty may thành viên của Tổng Cty đã hoạt động hiệu quả tại địa bàn nông thôn. Đầu năm 2010, Cty CP May 4 là đơn vị đầu tiên đầu tư xây dựng nhà máy may Đại Thắng tại xã Đại Thắng (Vụ Bản). Bước đầu, khi đầu tư về nông thôn, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực nhưng được địa phương cho mượn nhà xưởng, nhà máy đã lắp đặt 1 dây chuyền và đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 30 lao động. Đến tháng 9-2010, nhà máy đã có 3 dây chuyền đi vào sản xuất tạo việc làm cho gần 100 lao động. Song song với quá trình sản xuất, Cty đầu tư xây dựng xưởng sản xuất rộng gần 2.000m2 đủ chỗ cho 7-10 dây chuyền may. Hiện nay nhà máy đã có 7 dây chuyền may hoạt động, tạo việc làm cho 200 lao động là người trong xã và các xã Thành Lợi, Tam Thanh (Vụ Bản), Yên Phúc (Ý Yên). Giữa những ngày nắng nóng nhưng hoạt động tại các chuyền may vẫn diễn ra bình thường bởi nhà máy có hệ thống thông gió làm mát hiện đại, bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Chị Trần Thị Ninh công nhân nhà máy cho biết: "Sau khi học xong phổ thông tôi xin vào làm ở nhà máy. Được nhà máy dạy nghề 3 tháng sau đó bố trí vào làm việc. Vừa làm vừa học hỏi các anh chị có tay nghề cao đến nay tôi đã cơ bản thành thạo nghề và có thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng”. Để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động, công nhân của Cty dù sản xuất ở thành phố hay các địa phương đều được tính đơn giá sản phẩm như nhau, được thưởng 15% mức lương khi được xếp loại A hằng tháng, đủ ngày công được thưởng 150 nghìn đồng. Chính vì vậy các tháng đầu năm nhà máy chỉ biến động 3-5% số lao động. Cty CP May 4 còn đầu tư xây dựng nhà máy may ở các xã Minh Tân (Vụ Bản), Yên Lương (Ý Yên). Bước đầu nhà máy may ở Minh Tân tạo việc làm cho 50 lao động; nhà máy may ở Yên Lương tạo việc làm cho gần 100 lao động. Cty CP May 3 đầu tư nhà máy may Bình Minh, xã Bình Minh (Nam Trực) từ tháng 10-2010. Trên diện tích 10 nghìn m2, giai đoạn 1 nhà máy đầu tư xây dựng xưởng sản xuất trên 1.600m2 bảo đảm cho 10 dây chuyền may hoạt động. Hiện tại, nhà máy có 5 dây chuyền đang sản xuất, tạo việc làm cho gần 150 lao động ở các xã Bình Minh, Nam Hoa, Nam Lợi, Nam Tiến, Nam Hải. Nhà máy sản xuất quần áo Jaket xuất khẩu đi các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… Để tạo nguồn nhân lực, Cty đã kết hợp với Trung tâm Dạy nghề Nam Trực tổ chức dạy nghề ngay tại nhà máy. Thời gian tới, nhà máy tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Trước đây, chị Hoàng Thị Thược, quê xã Nam Lợi đã đi làm may tại Hà Nội với thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Khi có nhà máy, chị xin vào làm vì hằng tháng thu nhập đều trên 2,5 triệu đồng lại không phải thuê nhà. Chị Đoàn Thị Thu, quê ở xã Bình Minh đã làm ở Cty Nam Hải (TP Nam Định) cũng xin về làm tại nhà máy có thu nhập gần 2,5 triệu đồng/tháng, hằng tháng giảm 300-400 nghìn đồng tiền xăng xe.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP May 1 đã đầu tư nhà máy may về xã Trực Hưng (Trực Ninh), Cty CP May 2 đầu tư nhà máy may về xã Yên Tân (Ý Yên). Các nhà máy trên bước đầu đã đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 180-400 lao động. Sự đầu tư các nhà máy may về nông thôn của Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã góp phần giải quyết tình trạng lao động thiếu việc làm ở các vùng nông thôn./.
Bài và ảnh: Hữu Quyết