Chính thức giảm phát

09:06, 29/06/2012

Không còn băn khoăn giữa suy giảm hay giảm phát nữa. Câu trả lời được công bố, dù không chút mong đợi: CPI (chỉ số giá tiêu dùng) cả nước đã đi vào mức âm, giảm 0,26%. "Ảo giác khó khăn” đã thành hiện thực, tiếp tục kéo doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống vực sâu khó khăn.

CPI cả nước tháng 6 giảm 0,26%

Sau 40 tháng liên tục tăng ở ngưỡng dương, CPI cả nước tháng 6 đã chính thức giảm với mức âm 0,26%, đây là mức tăng thấp nhất so với các tháng 6 kể từ 2003 lại đây.

Mức giảm của CPI cả nước tháng này so với tháng trước không nhiều bất ngờ sau khi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - hai đầu tàu kinh tế chiếm trước đó 3 hôm đã công bố CPI giảm tương ứng, ở các mức âm 0,17% và 0,43%. Với mức tăng trưởng âm này, CPI sáu tháng qua chỉ tăng 2,52% so với tháng 12 -2011 và tăng 12,2% so với bình quân 6 tháng cùng kỳ 2011.

CPI tháng 7 sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng, CPI năm 2012 sẽ có thể lặp lại xu hướng biến động của năm 2009. Ảnh: Internet
CPI tháng 7 sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng, CPI năm 2012 sẽ có thể lặp lại xu hướng biến động của năm 2009. Ảnh: Internet

CPI tháng 6 lần đầu tiên giảm là do ba nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất theo thứ tự trong rổ hàng hóa chung gồm: Hàng ăn dịch vụ ăn uống (chiếm gần 40%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (chiếm trên 10%); giao thông (gần 9%) đều có mức giảm rõ rệt tương ứng: - 0,23%; - 1,21%; -1,64%. Nhóm hàng bưu chính viễn thông cũng giảm - 0,02%. Đặc biệt, việc CPI tháng 6 cả nước đánh dấu mốc giảm sau nhiều tháng tăng với mức độ cực thấp: tháng 4 tăng 0,05%, tháng 5 tăng 0,18%. Các con số này phản chiếu một thực trạng: tình hình kinh tế đang quá khó khăn, doanh nghiệp sản xuất và thương mại liên tục đóng cửa và giải thể, hệ quả của sức tiêu dùng bị suy giảm nghiêm trọng khi chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát đã bắt đầu nảy sinh các "tác dụng phụ” không mong muốn.

Gây sốc cho nền kinh tế

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, không còn phải băn khoăn giữa suy giảm hay giảm phát nữa. Những con số ẩn của nền kinh tế đã được phơi bày ra: tăng trưởng tín dụng dù nỗ lực kích vẫn không nhích, đó là điều quá bất thường. Từ thiểu phát đã chuyển sang giảm phát. Trong 15 ngày đầu tháng 6 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt 9,79 tỉ USD, giảm 8,9% so với kết quả thực hiện nửa cuối tháng 5, trong đó, xuất khẩu và nhập khẩu có mức giảm tương đương (lần lượt giảm 8,9% và 8,8%). Cán cân thương mại hàng hoá trong nửa đầu tháng 6 thặng dư 76,6 triệu USD. Nhập siêu được kiềm chế, xuất khẩu ổn định… nhưng một thực tế đau lòng: vì doanh nghiệp phần lớn không tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, đem lại kết quả xuất siêu cho nền kinh tế. Doanh nghiệp không sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu khiến quỹ ngoại tệ tăng lên. "Khi không có tăng trưởng, tăng trưởng âm thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Vì từ đây sẽ xuất hiện sản xuất đình đốn, thất nghiệp tràn lan, việc làm thiếu thốn và gây ra các hậu quả khó lường về mặt xã hội”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cảnh báo, giảm phát có thể làm một lớp dân số gặp phải nhiều khó khăn hơn. Khi giá giảm và các hoạt động kinh tế chậm lại, lãi suất giảm, điều này vừa là tự nhiên nhưng cũng là hệ quả từ các nhà hoạch định; việc giảm lãi suất là một cách để kích thích đi vay và đầu tư để khôi phục lại các hoạt động kinh tế. Song điều này sẽ bất lợi cho những người sống chỉ dựa vào nguồn thu nhập cố định của mình: hưu trí, công nhân viên chức… Giảm phát còn làm tăng gánh nặng nợ nần, do lãi suất danh nghĩa không thể âm, nên lãi suất thực tế lên rất cao. Và thật vậy, với lãi suất tiền gửi 9%/năm hiện nay, Việt Nam đang thuộc vào số ít các nước trên thế giới có lãi suất thực dương cao. Xét toàn cảnh nền kinh tế, giảm phát tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn: hạ giá - tăng dịch vụ nợ - giảm tiêu dùng và tăng dư thừa công suất - tăng thất nghiệp và giảm thu nhập - giảm tiêu dùng - giảm cầu và tiếp tục hạ giá...

Ông Nguyễn Thành Long, đại diện một công ty sản xuất nước ngọt khẳng định, giảm phát càng dồn doanh nghiệp vào bước đường cùng nhanh hơn. Trước đây đình đốn, doanh nghiệp vẫn sản xuất để cầm cự, nhưng giờ, giảm phát mười mươi, cứ "vô tư” sản xuất mãi những sản phẩm không thể bán được hay bán với giá hạ liên tục để chịu thua lỗ. Doanh nghiệp không còn "ngắc ngoải” mà đang "giãy đành đạch”.

Một chuyên gia kinh tế khẳng định, "Bóng ma lạm phát đã được các nhà hoạch định kinh tế, cơ quan quản lý nhìn thấy trước nhưng không đủ can đảm thừa nhận nó. Nếu như trong tháng 3, tháng 4 vừa qua, khi nền kinh tế manh nha thiểu phát thì chính sách nới lỏng tài chính - tín dụng - tiền tệ... về tung vốn, giảm thuế, bơm tiền 26.000 tỷ đồng/tháng cần được mạnh dạn đưa ra để có thể sẽ "quất” cho "con ngựa lạm phát” lồng lên phá "bóng ma” giảm phát, thoát khỏi trì trệ. Nhưng do đắn đo đã làm giảm phát mạnh và sâu sẽ khiến cho nền kinh tế khó đi lên vạn lần. Vừa qua Quốc hội họp bàn rất kỹ về tình hình kinh tế năm 2012, nhận diện những khó khăn và giải pháp vượt qua nó. Nhưng, kết quả như thế nào và cần thời gian bao lâu vẫn đang khuyết câu trả lời./.

Theo daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com