Trong 5 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN ở huyện Nam Trực đã tích cực đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất các mặt hàng có nhiều lợi thế, sức mua lớn, góp phần cùng toàn ngành đạt giá trị 554,414 tỷ đồng, tăng 18,3% so cùng kỳ và đạt gần 40% kế hoạch năm.
Cty TNHH Anh Đạt ở thôn Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ ngành Điện, GTVT, Xây dựng, Khai thác mỏ, gồm: Xà sứ cách điện, khóa néo, khóa đỡ, ty sứ, bu lông các loại… Cty sản xuất các sản phẩm có độ chính xác cao, bảo đảm chất lượng nên ngày càng nhiều khách đến đặt hàng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tháng 5-2011 Cty đầu tư một lò trung tần công suất 80kWh trị giá gần 300 triệu đồng, thay thế việc nung nóng kim loại bằng than, vừa tiết kiệm nhiên liệu lại giảm công lao động và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Cty còn liên kết với Cty CP Thương mại Khánh Phong (TP Nam Định) để mạ nhúng nóng các sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Năm tháng đầu năm 2012, doanh thu của Cty đạt gần 10 tỷ đồng, thu nhập của người lao động đạt 4 triệu đồng/người/tháng.
Cty TNHH Anh Đạt, thôn Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đầu tư lò trung tần góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) nổi tiếng với các sản phẩm đồ nhôm nhưng sản xuất càng phát triển thì mức độ ô nhiễm môi trường càng gia tăng. Trung bình mỗi ngày cả làng dùng khoảng 60 tấn củi, lò ủ thủ công tỏa ra lượng lớn năng lượng kèm theo khói bụi, khí độc… gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Trước thực trạng trên anh Trần Văn Sơn, giám đốc Cty TNHH một thành viên Cơ khí Thanh Sơn (Nam Thanh) đã nghiên cứu, chế tạo lò ủ nhôm bằng điện, có công suất 45kWh, dễ điều chỉnh, độ an toàn cao, có các bộ phận nâng nhiệt, giữ nhiệt theo yêu cầu sản xuất, khi ngắt điện lò vẫn duy trì được nhiệt độ trong nhiều giờ. Thực tế cho thấy, nếu ủ 1 tấn nhôm theo phương pháp thủ công mất khoảng 400 nghìn đồng; còn ủ bằng lò điện chỉ mất khoảng 130 nghìn đồng, chất lượng sản phẩm được nâng lên, dễ gia công, ít sản phẩm bị hỏng. Giá thành một lò ủ nhôm bằng điện khoảng 100 triệu đồng, vì vậy nhiều hộ trong làng nghề đã dùng lò ủ nhôm bằng điện thay thế lò ủ dùng than, củi. Anh Trần Văn Hiển, chủ cơ sở ủ nhôm ở xóm 2, làng Bình Yên cho biết, trước đây, mỗi ngày cơ sở của anh chỉ ủ được 1 tấn nhôm, nay sản lượng tăng gấp 4-5 lần; chất lượng sản phẩm ổn định hơn, dễ gia công và giá thành sản phẩm thấp hơn.
Trên địa bàn huyện Nam Trực, nhiều doanh nghiệp đang từng bước đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, ngày càng mở rộng được thị trường. Cty TNHH Việt Thắng mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại. Cty TNHH Anh Tú đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép với tổng kinh phí 150 tỷ đồng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, giá cả hợp lý cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Doanh nghiệp tư nhân Quang Báo đầu tư nâng cấp hệ thống máy đúc ép nhôm, gia công các chi tiết xe máy có chất lượng cao…
Đổi mới thiết bị, đưa công nghệ mới vào sản xuất, góp phần giúp các doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển sản xuất kinh doanh./.
Bài và ảnh: Hữu Quyết