Xã Yên Mỹ (Ý Yên) là vùng đồng trũng, đồng ruộng manh mún, cốt đất chỗ cao, chỗ thấp nên khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Để tăng thu nhập cho nhân dân, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tập trung đưa các nghề mới về địa phương.
Sản xuất hàng tre nứa ghép xuất khẩu của gia đình anh Đoàn Thế Định, xã Yên Mỹ (Ý Yên). |
Đảng ủy, UBND xã đã khuyến khích các hộ dân phát triển ngành nghề thông qua việc hỗ trợ vốn vay và tạo quỹ đất làm mặt bằng phát triển sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã Yên Mỹ có 2 nghề chính là nghề mộc và nghề may công nghiệp. Để tạo điều kiện cho các cơ sở phát triển sản xuất, Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Ý Yên tổ chức dạy nghề may công nghiệp, nghề mộc cho hàng trăm lao động địa phương, tạo điều kiện cho hơn 700 hộ dân được vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT và Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ trên 16 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất; gắn việc hỗ trợ vốn vay với việc đào tạo nghề, kỹ năng quản lý vốn, quản lý doanh nghiệp cho chủ các cơ sở sản xuất trong xã. Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 40 cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, mộc xây dựng và gần 100 hộ nhận gia công sản phẩm mộc mỹ nghệ cho các doanh nghiệp ở làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh. Hầu hết các cơ sở sản xuất đồ mộc đều đầu tư mua máy móc, thiết bị hiện đại, xây dựng nhà xưởng với quy mô lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương và các xã lân cận. Giá trị sản xuất từ nghề mộc đã đóng góp 60-65% giá trị sản xuất CN-TTCN của toàn xã. Xưởng mộc của gia đình ông Trịnh Đặng Quân ở xóm Lẻ chuyên sản xuất các mặt hàng mộc gia dụng cao cấp. Ban đầu, gia đình ông chỉ làm hàng mộc dân dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và làm gia công sản phẩm cho các làng nghề trong huyện. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động, ông đã đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất như máy cưa liên hoàn, máy bào, máy đánh bóng… Ông đã mở rộng sản xuất các loại bàn ghế, giường, tủ chất lượng cao xuất khẩu sang Trung Quốc… Mỗi năm xưởng mộc của gia đình ông đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hàng trăm triệu đồng. Cũng với nghề mộc, những năm gần đây, nghề may công nghiệp ở xã Yên Mỹ cũng phát triển mạnh với sự ra đời gần 20 cơ sở may gia công quần áo bảo hộ lao động, thể thao cho các Cty may xuất khẩu. Nghề may công nghiệp đã tạo việc làm cho trên 300 lao động nữ với thu nhập 70-80 nghìn đồng/ngày. Cơ sở may của chị Trần Thị Vương ở xóm Đông, thôn Thiện Mỹ đi vào hoạt động từ năm 2009 với kinh phí đầu tư ban đầu gần 100 triệu đồng, đã tạo việc làm cho 15 lao động tập trung và nhiều lao động phụ khác. Ngoài tiền công, cơ sở còn có cơ chế khuyến khích người lao động như thưởng cho công nhân vào những ngày nghỉ lễ 1-5, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán. Chị Trần Thị Lý, công nhân tại cơ sở cho biết: Trước đây tôi chỉ quanh quẩn với 5 sào ruộng, thời gian nông nhàn không biết làm việc gì để có thêm thu nhập. Từ khi các xưởng may thành lập ở thôn, tôi đi học nghề và đến nay đã làm thành thạo với mức thu nhập 80 nghìn đồng/ngày mà vẫn bảo đảm công việc gia đình. Thời gian vừa qua, xã Yên Mỹ còn du nhập nghề sơn chắp nứa từ xã Yên Tiến. Hộ đầu tiên đưa nghề sơn chắp nứa về làng là gia đình anh Đoàn Thế Định, đến nay cơ sở sản xuất của anh đã đạt sản lượng 10 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập 60-70 nghìn đồng/ngày. Hiện tại cơ sở mới chỉ thực hiện phần sản phẩm thô. Anh Định có kế hoạch thời gian tới sẽ tập trung đầu tư cho khâu hoàn thiện, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh có thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Với việc đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, năm 2011, cơ cấu kinh tế của xã Yên Mỹ đã có sự chuyển dịch tích cực với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 50%, tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ chiếm 50%. Toàn xã có 650 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần nâng cao mức sống của người nông dân và diện mạo của quê hương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương