Đồng chí Phạm Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trực Ninh khóa XXIII (2010-2015) đã xác định rõ phải tập trung khai thác tốt nhất vùng đất ven sông để phát triển công nghiệp và kinh tế trang trại. Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn, song vùng đất bãi ven sông của huyện đã có nhiều đổi thay. Sự năng động của từng địa phương, từng hộ gia đình đã tạo ra nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại hiệu quả...
Thu hoạch cá tại trang trại của ông Đỗ Văn An, xã Trực Chính (Trực Ninh). |
Đi dọc theo tuyến đê hữu sông Ninh Cơ về đến vùng bãi sông Hồng, từ xã Trực Mỹ về đến Thị trấn Cổ Lễ, đến đâu chúng tôi cũng thấy sự "thay da đổi thịt" của một dải ven sông. Trước kia nơi đây chỉ là đủ loại thùng đào, thùng đấu hoang hóa, giờ đây đã trở thành những chiếc ao vuông vắn, nhiều ao được xây gạch, lát bê tông với hệ thống cống tưới, tiêu nước, dưới ao lao xao cá quẫy, trên bờ cây thế, cây cảnh, cây ăn quả, lạc, rau… đủ loại. Xã nào cũng có vài chục gia trại, trang trại đang ăn nên làm ra với những dãy chuồng trại xây dài nuôi gà, vịt, ngan, lợn, trâu, bò, dê. Chỉ riêng bãi Ấp Bắc, xã Trực Mỹ đã có 4-5 hộ xây dựng trang trại, tuy diện tích chưa đạt 1ha nhưng doanh thu mỗi năm đều đạt trên 1 tỷ đồng. Hộ ông Ngô Minh Chiến với diện tích 0,8ha, ngoài nuôi cá, ông còn nuôi lợn, chim bồ câu, vịt…, năm 2011 đạt doanh thu trên 1 tỷ 125 triệu đồng. Hộ ông Vũ Ngọc Tân có 0,65ha nuôi thủy sản, nuôi lợn, vịt, mỗi năm đạt doanh số 1,1-1,2 tỷ đồng… Đặc biệt hộ ông Vũ Văn Thành chỉ có 0,11ha ao chuyên nuôi thủy sản, nuôi lợn mỗi năm cho nguồn thu trên 1,3 tỷ đồng... Ở khu Sủng Đông, xã Trực Đạo, trang trại của ông Hoàng Văn Giảng mỗi năm đạt doanh số trên 2 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Dương mỗi năm doanh thu 1,8-2 tỷ đồng từ nuôi lợn, thủy sản và trồng trọt… Dọc 13km đê hữu sông Ninh Cơ của huyện Trực Ninh đều xanh mát các trang trại, gia trại đã và đang hình thành. Chúng tôi dừng lại tại khu trang trại của anh Đỗ Văn An, ngoài đê bối xã Trực Chính. Anh An quê ở Thị trấn Cổ Lễ nhưng do mê đất ngoài bãi nên đấu thầu khu đất 1,6ha ngay cạnh bến đò trước đây làm khu vực khai thác đất để sản xuất gạch. Anh An cho biết, năm 2009 nhận đất, toàn bộ diện tích là các thùng, vũng gần như hoang hóa. Anh thuê máy xúc san ghềnh, lấp trũng suốt 2 tháng và đầu tư cả chục cây vàng, hai năm nay doanh thu đã đạt trên dưới 1,5 tỷ đồng và số lãi đã đạt vài trăm triệu đồng. Năm ngoái anh nuôi 20 con trâu thịt, lãi 100 triệu đồng. Đây là loại con nuôi cho hiệu quả cao nhất mà trang trại của anh sẽ mở rộng trong những năm tới. Còn trang trại vợ chồng chị Lê Thị My mới ngoài 30 tuổi, do khai thác có hiệu quả vùng đất rộng 0,8ha, mỗi năm thu 6-7 tấn cá thịt, 1 tấn cá giống, trên dưới 40 tấn gà, đạt doanh thu trên dưới 1,6 tỷ đồng với thu nhập thực tế trên 200 triệu đồng/năm. Hiện trên khu vực trong và ngoài đê Trực Chính đã hình thành 4-5 trang trại đạt đủ các tiêu chí của Bộ NN và PTNT quy định và hàng chục gia trại, chủ yếu là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đều cho hiệu quả kinh tế cao. Riêng 85ha vùng bãi xã Trực Chính với 25 hộ đang canh tác trong những năm gần đây được sự đầu tư của tỉnh, huyện, xã và đóng góp của nông dân đã hình thành hệ thống tưới, tiêu nước hoàn chỉnh và trạm bơm tưới Cánh Cát với công suất 3.000m3/h đã chuyển đổi khu này từ cấy lúa bấp bênh sang luân canh trồng màu 3-4 vụ, hiệu quả gấp 3 lần cấy lúa. Riêng 30ha (chiếm trên 35% diện tích), vụ đông trồng khoai tây giống Đức, Hà Lan hiệu quả còn cao hơn nhiều. Hiện tại xã Trực Chính đang xây dựng khu vực này thành cánh đồng mẫu lớn kể cả trong 3 vụ trong năm tạo ra vùng hàng hóa nông nghiệp tập trung có sự tham gia của các doanh nghiệp dịch vụ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho toàn bộ vùng bãi và 11ha vùng Sa Nội. Ở vùng đất bãi ven sông Hồng của Thị trấn Cổ Lễ cũng đã hình thành cả trăm gia trại nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi tập trung. Nơi đây đã hình thành các đội chuyên cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất. Chỉ riêng về thủy sản đã có gần 50 hộ chuyên sản xuất, ương, cung ứng cá giống và 30-40 hộ chuyên tiêu thụ sản phẩm cá thịt. Các hộ ông Cơ, ông Giao ở đội sản xuất số 5 thành lập đội chuyên bơm tát, vận chuyển… sẵn sàng mua "vo" mặt nước để thu hoạch, hoặc hợp đồng đưa máy đến bơm, tát, đánh, bắt, cân, trả tiền ngay cho chủ nên các hộ có gia trại không lo đầu ra. Còn ở 23km đê tả sông Ninh Cơ, các trang trại, gia trại của các xã Trực Đại, Trực Cường, Trực Hùng… còn năng động hơn như trang trại chăn nuôi của ông Trần Văn Quân, rộng 0,19ha doanh thu mỗi năm bình quân trên 1,6 tỷ đồng; trang trại của ông Nguyễn Văn Vinh rộng 0,16ha, doanh thu mỗi năm gần 1,4 tỷ đồng; trang trại của ông Nguyễn Văn Nhiệm mỗi năm thu gần 1,5 tỷ đồng và các ông Phạm Văn Tu, ông Phạm Văn Tảo… nuôi thủy sản và lợn, doanh thu hàng tỷ đồng.
Sự năng động ở vùng ven sông của huyện Trực Ninh với các trang trại, gia trại chăn nuôi, tổng hợp, nuôi trồng thủy sản thực sự là những mô hình sản xuất hiệu quả. Chính sự phát triển này đã tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh cao. Trong tổng số 550 gia trại của huyện Trực Ninh thì vùng ven sông chiếm trên dưới 50% và 22 trang trại đủ tiêu chí hầu hết là ở vùng ven sông Hồng, sông Ninh Cơ. Vùng đất hoang hóa ven sông đang trở thành trục kinh tế công - nông nghiệp của huyện Trực Ninh./.
Bài và ảnh: Tất Thắc