Nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản, tháng 12-2011, UBND tỉnh đã có Quyết định 2193 về việc phê duyệt dự án xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Mô hình này do HTX làm nòng cốt để xây dựng chuỗi liên kết các thành viên từ sản xuất đến tiêu thụ giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Mô hình trồng dưa chuột của hộ ông Nguyễn Văn Thanh, xóm 1, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). |
Triển khai xây dựng mô hình, Liên minh HTX tỉnh đã chọn HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) liên kết với Cty TNHH Bao bì kim loại CFC (TP Nam Định) thực hiện thí điểm. Cơ chế hoạt động của mô hình liên kết doanh nghiệp - HTX được thực hiện theo 3 bước gồm: Lập bản cam kết và thỏa thuận tham gia của các chủ thể trong mô hình; Ký hợp đồng giao nhận sản phẩm; Ký kết các hợp đồng kinh tế cụ thể về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư. HTX Nghĩa Bình có nhiệm vụ thực hiện điều tra, khảo sát thị trường, tìm kiếm các doanh nghiệp bao tiêu hết nông sản cho nông dân theo hợp đồng và đảm nhận cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên, đầu tư ứng trước phân bón, giống, dịch vụ làm đất, hỗ trợ nông dân trong việc chuyển giao kiến thức về thâm canh, chăm sóc cây trồng... HTX đã đưa những cây trồng có giá trị cao vào sản xuất để tăng giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác, đồng thời tiếp tục duy trì 6 khâu dịch vụ gồm: thủy lợi nội đồng; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; bảo vệ cây trồng (diệt chuột và ốc bươu vàng...); làm đất; cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm và dịch vụ tín dụng nội bộ. Các dịch vụ của HTX khi triển khai đều có hiệu quả và đã thu hút đông nông dân tham gia ký hợp đồng thỏa thuận. Cụ thể như trong dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, HTX đã tích cực tìm kiếm thị trường trong và ngoài tỉnh, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong sản xuất vụ đông cho xã viên. Hằng năm, HTX cung ứng từ 550-600 tấn phân bón các loại và từ 4-5 tấn giống lúa đặc sản. Là địa phương có truyền thống thâm canh 2 vụ lúa + vụ đông, với tổng diện tích đất nông nghiệp của xã là 370,79ha (trong đó, diện tích trồng cây màu có 9,5ha), HTX luôn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh từng vụ trong năm để triển khai cụ thể đến các thôn xóm, trích kinh phí đầu tư và động viên xã viên đưa vào gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây trạch tả, ngô ngọt, dưa chuột bao tử, cà chua và rau màu các loại. Khi triển khai mô hình liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân, HTX đã dành 50-60ha để trồng cà chua nhót, dưa chuột các loại theo hợp đồng đã ký kết với Cty TNHH Bao bì kim loại CFC. Ngoài ra, HTX vận động xã viên trồng một số loại cây trồng khác như cà chua quả to, bí xanh… HTX còn tiến hành cấy khảo nghiệm 10 mẫu lúa mùa sớm theo phương pháp không làm đất nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thời gian lao động; trồng khảo nghiệm 5 mẫu giống ngô ngọt xuất khẩu; 5 mẫu giống dưa chuột không làm giàn trong vụ đông. Để triển khai dự án có hiệu quả, HTX được Sở Công thương hỗ trợ lập website: HoptacxaNghiaBinh.vn để quảng bá về hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức cho đội ngũ cán bộ HTX đi tham quan các mô hình HTX tại Ninh Bình, Hà Nam… Về phía Cty TNHH Bao bì kim loại CFC, ngay từ đầu năm 2012, Cty đã chủ động lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho xã viên HTX Nghĩa Bình. Thông qua HTX, Cty cung ứng giống, thuốc trừ sâu, phân bón, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho nông dân và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tổ chức thu mua toàn bộ nông sản sau thu hoạch của HTX theo hợp đồng đã ký. Đối với các hộ nông dân xã Nghĩa Bình, ngoài trách nhiệm nhận nguyên vật liệu, vật tư từ HTX, tiếp thu quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn, các hộ nông dân phải thu hoạch và bán toàn bộ sản phẩm nông sản thu hoạch được cho HTX theo hợp đồng.
Việc triển khai mô hình doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, kết hợp hài hòa lợi ích giữa các chủ thể cùng chia sẻ rủi ro và tương hỗ các điểm mạnh, yếu nhằm đảm bảo ổn định mối “liên kết 4 nhà”, là giải pháp giúp nông dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn