Những năm gần đây xã Trực Hùng (Trực Ninh) đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp tạo ra giá trị cao trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao mức thu nhập của người dân.
Xã Trực Hùng có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp là đồng đất màu mỡ do gần sông Ninh Cơ, hệ thống tưới tiêu tự chảy, người dân có trình độ thâm canh cao. Tổng diện tích gieo cấy 2 vụ lúa trong năm của xã trên 272ha. Do làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ từ khâu làm đất, gieo mạ, thời vụ cấy, thực hiện tốt các biện pháp chăm bón, dự tính dự báo hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa cả năm của xã đạt trên 125 tạ/ha. Xã đã hình thành các vùng sản xuất rau màu đạt hiệu quả cao trên đất gồ màu, vườn màu và đất 2 vụ lúa. Các loại rau màu theo thời vụ được trồng trên diện tích lớn, tạo ra lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã trồng hàng mẫu cây vụ đông như dưa chuột, bí xanh, cà chua, rau các loại. Vùng nuôi thủy sản của xã rộng 54ha với các loại cá truyền thống. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển với gần 2.300 con lợn, mỗi năm xuất chuồng khoảng 250 tấn lợn hơi; đàn gia cầm có khoảng 30 nghìn con. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở xã Trực Hùng những năm gần đây là sự đầu tư của Cty TNHH Cường Tân vào sản xuất giống lúa lai F1. Cty đã vận động nông dân cho thuê, dồn đổi ruộng để hình thành 2 vùng sản xuất giống lúa lai F1 với diện tích gần 80ha. Cty thuê đất rồi giao lại cho người dân có điều kiện sản xuất lúa giống. Quy trình sản xuất lúa lai F1 được thực hiện theo sự hướng dẫn của Cty. Người sản xuất giống lúa lai có thu nhập cao hơn cấy lúa thuần từ 2-3 lần, nên luôn gắn bó với đồng ruộng, có tinh thần hợp tác hỗ trợ trong sản xuất. Chương trình sản xuất giống lúa lai F1 góp phần chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng. Trên diện tích cấy lúa lai, người dân trồng các cây vụ đông phù hợp với thị trường. Năm nay nhiều hộ ở đội 1 đã trồng cà chua, dưa chuột bao tử, rau các loại. Hộ anh Đỗ Văn Mỡi trồng tới 3,5 mẫu dưa chuột bao tử cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Cơ sở sản xuất sợi PE của anh Trần Văn Hài, ở xóm 18, Trực Hùng tạo việc làm cho 20-25 lao động. |
Xã có nhiều ngành nghề truyền thống như sản xuất VLXD, vận tải thủy, sản xuất sợi PE, đánh bắt thủy hải sản. Năm 2011, sản xuất CN-TTCN, ngành nghề của xã phát triển mạnh với các nghề đóng mới tàu vỏ thép cỡ nhỏ, sửa chữa tàu thuyền, sản xuất cơ khí, sản xuất VLXD, sợi PE. Với lợi thế có hơn 8km chạy dọc sông Ninh Cơ, trên địa bàn xã còn phát triển một số cơ sở sản xuất VLXD. Ông Đoàn Văn Bằng ở xóm 5 đã đầu tư công nghệ mới để sản xuất VLXD, mỗi năm sản xuất khoảng 20 triệu viên gạch, tạo việc làm cho 20-25 lao động với thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất VLXD của ông Đặng Văn Sinh, ở xóm 7 mỗi năm sản xuất 30 triệu viên gạch tạo việc làm cho 35-40 lao động. Các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn mỗi năm sản xuất khoảng 150 triệu viên, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Trên địa bàn có 5 cơ sở sản xuất sợi PE, trong đó cơ sở sản xuất của các anh Trần Văn Hài, Lưu Văn Viễn đều tạo việc làm cho 20-25 lao động trực tiếp. Các cơ sở sản xuất sợi PE tạo việc làm cho trên 100 hộ (nhiều hộ có 2-3 người cùng làm) nhận gia công xe sợi PE, mỗi ngày mỗi người có thu nhập 80-100 nghìn đồng. Trên địa bàn xã có 4 cơ sở may mới đi vào hoạt động từ năm 2011, tạo việc làm cho trên 100 lao động với thu nhập 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, xã Trực Hùng có 1.500 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, 300 người đi hợp tác lao động ở nước ngoài; có đội ngư nghiệp gồm 39 tàu đánh bắt thủy sản, tạo việc làm cho trên 100 lao động. Năm 2011 giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ của xã đạt trên 143 tỷ đồng, chiếm 77% cơ cấu kinh tế của xã.
Là xã điểm NTM, xã đã tập trung các nguồn lực xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn kết hợp với thủy lợi nội đồng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Năm 2011 xã động viên nhân dân các xóm làm đường bê tông thôn xóm, đắp 5km đường nội đồng, nâng cấp hội trường nhà văn hóa xã, xây dựng trường tiểu học B đạt chuẩn mức độ 2… Đến nay đã đạt 9/19 tiêu chí NTM, trong đó giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ đạt 77%; số người lao động trực tiếp trong nông nghiệp chỉ còn 25%.
Những kết quả đạt được trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là tiền đề để Trực Hùng sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015./.
Bài và ảnh: Hữu Quyết