Tập trung các biện pháp khắc phục tình trạng nợ đọng thuế

08:05, 21/05/2012

Tại các hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các tháng đầu năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Cục Thuế tỉnh và các ngành chức năng tập trung các biện pháp giải quyết tình trạng nợ đọng thuế ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ thực trạng nợ đọng thuế kéo dài từ nhiều năm và có dấu hiệu ngày càng tăng cao, đã đến lúc phải áp dụng các biện pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm.

Thực trạng nợ đọng thuế!

Do nhiều nguyên nhân, tình trạng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh còn nợ đọng thuế đã kéo dài từ nhiều năm nay. Giai đoạn 2006-2010 mặc dù ngành Thuế tỉnh đạt mức tăng trưởng mạnh về số thu nhưng đến hết năm 2010 số nợ đọng thuế vẫn còn tới 330,2 tỷ đồng. Năm 2011, Ngành Thuế tỉnh đã tập trung đôn đốc thu nợ, thực hiện 28 quyết định cưỡng chế, ban hành 243 lượt thông báo cưỡng chế, gửi 67 công văn đề nghị các ngân hàng thông báo số dư tài khoản doanh nghiệp nợ đọng thuế để truy thu... Tổng số tiền thu nợ cả năm đạt 163,2 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp được xếp vào diện "trọng điểm" về nợ thuế đã có chuyển biến như Cty CP Bia NaDa nộp hết nợ đọng thuế năm 2010 là 17,7 tỷ đồng và nộp 4 tỷ đồng tiền phạt nợ, Cty CP Tasco Thiên Trường nộp hết nợ đọng thuế 2010 là 11,4 tỷ đồng, Cty CP Tập đoàn Honlei, Cty CP Xây dựng Nam Định... cũng đã trả hết nợ đọng. Tuy nhiên, dù thu nợ được 163,2 tỷ đồng, nhưng tổng nợ thuế trên địa bàn toàn tỉnh vẫn tăng do nợ mới phát sinh. Đến hết năm 2011, tổng nợ ngân sách về thuế là 165,13 tỷ đồng (bằng 19,3% tổng thu ngân sách cả năm 2011), tăng 1,93 tỷ đồng so với cuối năm 2010. Một số đơn vị có nợ thuế tăng cao như huyện Trực Ninh tăng 27,2 tỷ đồng, Thành phố Nam Định tăng 19,3 tỷ đồng, huyện Ý Yên tăng 11,3 tỷ đồng, huyện Xuân Trường tăng 7,5 tỷ đồng. Bên cạnh những đơn vị nợ đọng thuế lớn và lâu như Cty TNHH Đức Phương (gần 50 tỷ đồng), Cty CP Đầu tư và phát triển Thiên Nam (trên 10 tỷ đồng), Cty CP Công nghiệp tàu thủy Nam Hà (trên 5 tỷ đồng), Cty CP CNTT Cát Tường (17 tỷ đồng), Cty CP CNTT Trường Xuân (4 tỷ đồng)... thì danh sách nợ đọng thuế tiếp tục mở rộng so với cuối năm 2011. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp có nợ đọng thuế trước thời điểm CP hóa nhưng không đủ thủ tục xóa nợ, sau đó gặp khó khăn nên không có nguồn nộp thuế đã tạo ra các khoản nợ lên tới hàng chục tỷ đồng. Nợ thuế còn do doanh nghiệp gặp khó khăn, bị phá sản như trường hợp Cty CP Công nghiệp tàu thủy Cát Tường (Trực Ninh) khi Chi cục Thuế Trực Ninh thực hiện cưỡng chế thì toàn bộ tài sản đều đã thế chấp tại ngân hàng. Hoặc nợ thuế của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản nhưng không ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư, thi công các công trình bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được ngân sách thanh toán nên doanh nghiệp không có tiền để nộp thuế... Tuy nhiên, qua phân tích số doanh nghiệp mới nợ thì nguyên nhân chính dẫn tới nợ thuế là do doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm đóng nộp ngân sách. Cục Thuế tỉnh, các Chi cục Thuế các huyện, thành phố đã đôn đốc, nhắc nhở liên tục, thậm chí đã sử dụng cả biện pháp cưỡng chế nhưng doanh nghiệp vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ, cố tình để dây dưa nợ đọng thuế. Cụ thể, Cty CP Đức Phương tuần nào, tháng nào cũng được đôn đốc, nhắc nhở nhưng đến 30-6-2011 vẫn nợ thuế lên tới 45,6 tỷ đồng. Năm 2011, Cục Thuế tỉnh đã mời hàng trăm lượt doanh nghiệp lên ký cam kết trả nợ nhưng số trả không đáng kể. Trong quý I-2012, Cục Thuế tỉnh tiếp tục mời 20 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn lên ký cam kết nhưng đến nay chưa thấy có phản ứng tích cực, dù trong đó có không ít doanh nghiệp vẫn sản xuất, kinh doanh ổn định, có lãi. Xảy ra tình trạng trên một phần do mức quy định phạt chậm nộp của ngành Thuế quá thấp, hiện ở mức 0,05%/số tiền nợ thuế, tương đương với 17-18%/năm. Nếu so với lãi suất vay ngân hàng năm 2011 thì doanh nghiệp nợ thuế vẫn có lãi hơn là phải đi vay ngân hàng và không phải thế chấp. Ngoài ra, để xảy ra tình trạng trên có phần do trách nhiệm quản lý, đôn đốc thu nộp thuế của một số đơn vị, một số cán bộ thuế chưa cao, chưa bám sát địa bàn, rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh của đối tượng nộp thuế, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định nhưng tiếp tục phát sinh nợ thuế. Một số chi cục chưa thực hiện hết quy trình quản lý nợ và cưỡng chế thuế như Vụ Bản, Nam Trực, Ý Yên, Giao Thủy... Những nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế ở tỉnh ta gia tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra môi trường không bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.

Cục Thuế tỉnh thông báo số nợ đọng thuế tới các doanh nghiệp.
Cục Thuế tỉnh thông báo số nợ đọng thuế tới các doanh nghiệp.

Cần một giải pháp đồng bộ!

Để khắc phục tình trạng nợ đọng thuế, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện các biện pháp mạnh để thu hồi nợ đọng thuế. Trong quý I-2012, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về chống thất thu, nợ đọng thuế. Qua hội nghị này, ngành Thuế đã xây dựng quy chế thực hiện và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị, cá nhân, theo từng sắc thuế, loại thuế từ năm 2012. Dự kiến, ngành Thuế sẽ đưa vào dự toán thu năm sau số lượng nợ đọng có thể thu của năm trước để ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong ngành với nhiệm vụ chống nợ đọng thuế. Các đơn vị thực hiện thống kê, xác định rõ từng trường hợp nợ thuế để từ đó có biện pháp thu nợ thích hợp; kiên quyết, xử lý những trường hợp trốn tránh trách nhiệm nộp thuế, áp dụng biện pháp cưỡng chế, đình chỉ hóa đơn đối với đối tượng nợ đọng thuế. Từ đầu năm đến nay, cùng với tổ chức cho 20 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn ký cam kết sẽ trả nợ, ngành Thuế tỉnh đã tiến hành cưỡng chế thu nợ thuế hàng chục trường hợp cố tình nợ đọng. Trong đó, Chi cục Thuế Trực Ninh đã tiến hành cưỡng chế đối với Cty CP Công nghiệp tàu thủy Cát Tường. Từ tháng 4 đến nay, Chi cục Thuế Ý Yên đã tổ chức cưỡng chế đối với 4 doanh nghiệp trên địa bàn. Các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực, Vụ Bản đều xây dựng kế hoạch cưỡng chế, thu nợ đối với các doanh nghiệp có số nợ đọng thuế lớn, kéo dài.

Để giải quyết tình trạng nợ mới phát sinh cao như hiện nay, không chỉ riêng ngành Thuế mà cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành chức năng. Trên thực tế, việc quy định về mức xử phạt nợ thuế quá thấp là một nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp cố tình nợ thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp có số thuế lớn. UBND tỉnh, ngành Thuế tỉnh, các cơ quan chức năng cần kiến nghị với Trung ương nâng cao mức xử phạt nợ thuế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần xem xét, chỉnh sửa quy trình xử lý vi phạm nợ thuế hiện nay. Quy trình xử lý nợ thuế hiện nay có quá nhiều bước và thời gian; nên rút gọn quy trình để sớm xử lý những trường hợp cố tình nợ đọng mới đủ sức răn đe các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đọng thuế… Ngoài ra, cần có cơ chế xử lý xóa nợ thuế cho một số doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, không còn đối tượng để thu nhằm giảm tỷ trọng nợ đọng thuế của tỉnh. Đối với các doanh nghiệp cố tình nợ đọng thuế, phải sử dụng biện pháp cưỡng chế thu nợ, đặc biệt đối với những khoản nợ thuế được phân loại, xác định có khả năng thu được. Để triển khai biện pháp cưỡng chế và cưỡng chế đạt hiệu quả thì cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng như Kho bạc, Ngân hàng, Công an… Thực tế các cuộc cưỡng chế nợ thuế trong thời gian qua cho thấy sự phối hợp, tham gia của các ngành, nhất là chính quyền địa phương chưa thực sự đồng bộ, tạo kẽ hở cho đối tượng nợ thuế đối phó. Cục Thuế tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện để ngăn chặn tình trạng nợ đọng thuế hiện nay. Công tác này cần có quy chế, quy định cụ thể và đưa thành tiêu chí thi đua hằng năm để chấm dứt tình trạng cố tình nợ đọng thuế. Cùng với việc kiên quyết ngăn chặn tình trạng cố tình nợ đọng thuế, ngành Thuế cần phải rà soát, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp thật sự khó khăn để có hướng tháo gỡ khó khăn, có cơ hội phát triển; tránh tình trạng doanh nghiệp không những không trả được nợ đọng mà số tiền bị phạt chậm nộp ngày càng cao, dẫn tới ngày càng khó khăn hơn. Do vậy đòi hỏi mỗi cán bộ thuế, đơn vị ngành Thuế phải nắm bắt đầy đủ thông tin, diễn biến hoạt động, nguyên nhân nợ đọng thuế để có biện pháp thích hợp, chống được chậm nộp thuế nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục, tiếp tục phát triển sản xuất.

Theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, tỷ lệ nợ thuế trong giới hạn cho phép là không quá 4%/tổng thu ngân sách. Với tỷ lệ nợ thuế của tỉnh ta hiện nay đang là gần 20%/tổng thu ngân sách, đã đến lúc không thể chậm trễ, chần chừ trong việc thực thi các giải pháp để xóa bỏ tình trạng nợ đọng thuế./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com