Thời gian gần đây, một số ngân hàng (NH) đã tiến hành thu thêm một số loại phí đối với thẻ ATM cùng một số dịch vụ liên quan. Đây không phải là vấn đề mới nhưng vẫn có một số điểm đáng bàn.
Chuyện không đáng có
NH tốn kém tiền bạc để đầu tư hệ thống ATM, công nghệ cũng như các dịch vụ thanh toán qua Internet, điện thoại di động… thì việc thu phí để bù đắp trở lại cũng là tất yếu. Nhưng vì sao, trước đây khi một vài lần NH bộc lộ ý định thu phí, đã có không ít những ý kiến tỏ ra băn khoăn. Thử lấy một thí dụ: Hiện nay, nếu mở thẻ thanh toán VISA debit tại một số NH, mức phí quản lý thẻ vào khoảng 10.000 đồng/tháng. Mức phí này có “đắt” hay không? Câu trả lời là vừa có và vừa không. Rõ ràng, đối với những người không có nhu cầu sử dụng thẻ VISA để thanh toán, hoặc một năm chỉ thanh toán vài lần thì tốn kém đến 120.000 đồng/năm có thể xem như là đắt. Nhưng với những người giao dịch thường xuyên, hay đi nước ngoài hoặc mua hàng trên mạng, một năm số tiền thanh toán có thể lên đến vài chục, vài trăm triệu đồng hoặc hơn nữa thì 120.000 đồng so với thu nhập của họ là không đáng kể.
Sử dụng máy ATM rút tiền đã trở thành thói quen của nhiều người. Ảnh: Internet. |
Vấn đề nằm ở chỗ, những người sử dụng dịch vụ của NH cần biết được rằng đồng tiền của mình bỏ ra có hợp lý hay không? Về mặt này, có thể nói các NH mặc dù có nỗ lực nhưng công tác thông tin, truyền thông vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Chẳng hạn: NH Thương mại CP Đông Á (DongA Bank) hiện đang thu phí quản lý tài khoản bao gồm thông qua điện thoại di động khi số dư thay đổi, chuyển khoản trên Internet (dưới 10 triệu đồng/ngày), mua thẻ cào trả trước, thanh toán tiền điện… với mức 9.900 đồng/tháng. Nhưng ở đây, nếu khách hàng chỉ sử dụng tiện ích thông báo qua tin nhắn khi số dư trên tài khoản thay đổi thì vẫn đóng 9.900 đồng/tháng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, DongA Bank còn có thêm một dịch vụ khác, đó là thông báo số dư tính theo lần với 1.100 đồng/lần. Điều đáng nói ở đây là theo một số người sử dụng thẻ của DongA Bank, họ không biết NH có dịch vụ tính phí này.
“Lỗi” có thể do người sử dụng không chịu cập nhật sản phẩm, nhưng cũng cần nói thêm rằng, NH chưa thật sự chủ động thông báo cho khách hàng. Điều này đã phần nào dẫn đến việc hễ khách hàng nghe NH có ý định tăng phí dịch vụ là phản ứng. Đây là điều không đáng có vì bản chất các NH cũng đã nỗ lực cải thiện dịch vụ, sản phẩm.
Cải thiện hơn nữa
Hiện nay, Vietcombank (VCB) đang thực hiện thu phí quản lý tài khoản thẻ 3.300 đồng/tháng. Như vậy, với hơn sáu triệu thẻ ATM của VCB hiện nay, thu 3.300 đồng/thẻ/tháng, một năm VCB có thể thu về gần 240 tỷ đồng. Tương tự, chỉ cần khoảng 20% trong tổng số 5,1 triệu thẻ ATM của DongA Bank đăng ký dịch vụ quản lý tài khoản trọn gói với 9.900 đồng/tháng thì hằng năm NH này cũng thu về hơn 150 tỷ đồng. Những con số trên đây đã chỉ ra rằng, việc thu phí với số tiền không lớn trên mỗi thẻ nhưng sẽ đem về một số tiền không hề nhỏ cho các NH. Cũng cần nói thêm rằng, việc các NH sẵn sàng thu phí cho thấy thị phần dịch vụ thẻ kèm các hình thức thanh toán đã và đang được định hình rõ nét và ổn định hơn.
Vấn đề cần đặt ra ở đây là thu được tiền, các NH sẽ làm gì để dịch vụ của mình tốt hơn nữa? Có thể lấy thí dụng việc chuyển tiền qua Internet (internet banking) hiện nay, không phải NH nào cũng có chức năng chuyển tiền liên NH. Có những NH mặc dù giữ vị thế hàng đầu trong dịch vụ thẻ, đầu tư công nghệ nhưng lại không có chức năng này. Trong khi đó, hệ thống Internet banking của một vài NH rất tốt, nhưng không phải khách hàng nào cũng biết hay mạnh dạn sử dụng…
Chất lượng không đồng đều, lại chưa tách bạch các dịch vụ rõ ràng, đặc biệt lại không có những điểm nhấn, hay nói rõ những thế mạnh của mình trong dịch vụ ATM và thanh toán mà chỉ nói chung chung là đặc điểm thường thấy của các NH. Vì vậy, các NH cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thiện dịch vụ, sản phẩm để đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho khách hàng. Thu được phí, các NH đã không còn “kêu ca” về việc đầu tư tốn kém nữa. Giờ đây, khách hàng đang chờ đợi những cải thiện rõ nét từ phía cung ứng dịch vụ./.
Theo Thời nay