[links()]
II - Để phát triển ngành nghề và làng nghề nông thôn
Phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn thời gian qua ở tỉnh ta đã tạo ra sự thay đổi về cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn theo hướng tích cực, song vẫn chậm so với tiềm năng, thế mạnh hiện có và so với xu thế chung của các tỉnh trong khu vực. Hiện tại tỷ lệ hộ sản xuất nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp và thuỷ sản ở tỉnh ta vẫn còn chiếm 53,7%, trong khi bình quân chung tỷ lệ hộ lao động ở lĩnh vực này của vùng Đồng bằng sông Hồng là 47,2% (!). Những hạn chế đó là do phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn thời gian qua còn mang tính tự phát; giá trị hàng hoá thấp, sản phẩm còn đơn điệu, nghèo nàn, số lượng sản phẩm xuất khẩu chưa nhiều. Sức cạnh tranh của sản phẩm từ làng nghề, ngành nghề chưa cao. Các doanh nghiệp ngành nghề nông thôn còn yếu trong tiếp cận và xử lý thông tin thương mại, tiếp cận thị trường. Việc xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh dài hạn và đầu tư chiều sâu nhằm đổi mới công nghệ, thiết bị còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp làng nghề như nghề cơ khí, chế biến gỗ, sơn mài, tre nứa ghép, dệt vẫn sử dụng những công nghệ, thiết bị lạc hậu… nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành nghề ở nông thôn chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực ngành nghề nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu; trình độ tay nghề của lao động, trình độ quản lý của chủ cơ sở sản xuất còn thấp, chưa được đào tạo cơ bản mà chủ yếu phát triển theo hướng "cha truyền con nối". Chưa có nhiều cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành sản xuất. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững ngành nghề, làng nghề. Trong quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn thời gian qua vẫn còn chồng chéo giữa các sở, ngành, giữa các phòng Công thương, phòng NN và PTNT ở các huyện. Việc rà soát, đánh giá các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo hệ thống tiêu chí mới chưa thường xuyên, liên tục và đồng bộ. Việc lập hồ sơ xét, trình UBND tỉnh quyết định công nhận các danh hiệu nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo tiêu chí mới do Bộ NN và PTNT ban hành đến nay vẫn chưa thực hiện được. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh, của các huyện, thành phố đến năm 2020 đến nay chưa xây dựng xong(!). Nhiều địa phương kế hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề đến năm 2015 còn chung chung.
Sản xuất động cơ điện, máy phát điện tại Cty Chế tạo điện cơ AXUZU (làng nghề Xuân Kiên - Xuân Trường). Ảnh: Hữu Quyết |
Mục tiêu đặt ra trong phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn của tỉnh ta là phấn đấu đến năm 2015 số hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn tăng bình quân 5%/năm trở lên; toàn tỉnh có 380-400 cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn, có trên 100 làng nghề đạt chuẩn tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề bình quân mỗi năm tăng trên 20%. Việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn phải được các địa phương coi là một trong nhóm giải pháp quan trọng để tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng sản phẩm xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn, là động lực thực hiện tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã ban hành, đồng thời là cơ sở để thực hiện các tiêu chí khác như tăng thu nhập (tiêu chí số 10), giảm hộ nghèo (tiêu chí số 11)… Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn như: Nghị quyết về phát triển CN-TTCN - làng nghề giai đoạn 2011-2015 của Tỉnh ủy, Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020; UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định, 3 kế hoạch triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh… Theo đó, để phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, việc đầu tiên tỉnh ta rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển; phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng, tiềm năng, mối quan hệ phát triển ngành nghề nông thôn trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Xác định rõ mục tiêu, định hướng cụ thể cho từng loại hình ngành nghề, từng loại hình sản phẩm, đồng thời có các giải pháp khả thi, hiệu quả thiết thực; tạo điều kiện tối ưu về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành nghề nông thôn phát triển bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển CN-TTCN - làng nghề nông thôn. Tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, Quỹ bảo lãnh tín dụng và có chính sách huy động tối đa vốn nhàn rỗi trong dân để phát triển ngành nghề nông thôn. Xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của phòng NN và PTNT cấp huyện và ban nông nghiệp xã đối với việc phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các cấp và các đơn vị liên quan trong quản lý Nhà nước với làng nghề, ngành nghề nông thôn. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông - lâm - thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm mới, hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề. Xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới, gắn giữa công nghệ mới với công nghệ truyền thống để sản xuất các sản phẩm độc đáo mang bản sắc dân tộc. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tại các làng nghề tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, công nghệ sạch để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề, xử lý nghiêm những vi phạm bảo vệ môi trường. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn của Trung ương, của tỉnh. Thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, khai thác tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương về ngành nghề nông thôn. Mặt khác, muốn phát triển ngành nghề nông thôn thì phải dạy nghề cho nông dân, dạy nghề xong phải tổ chức sản xuất và đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm cho những người làm nghề… Hiện nay ngoài các nghề hiện có của các địa phương, chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được Bộ NN và PTNT phê duyệt ngày 11-4-2012, có tới 30 nghề được công nhận và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó có 9 nghề về lĩnh vực trồng trọt như trồng cây có múi, trồng thanh long, trồng ca cao xen dừa; trồng vải, nhãn; trồng khoai lang, sắn; trồng lạc, đậu tương… 5 nghề trong lĩnh vực nuôi, ương như: nuôi và phòng trị bệnh cho gà, nuôi ong mật, ương giống và nuôi ngao, ương giống và nuôi tu hài, nuôi cá tra và cá ba sa. 5 nghề chế biến, sơ chế: chế biến sản phẩm từ thịt gia súc, chế biến sản phẩm từ đậu nành, chế biến nước mắm, sơ chế và bảo quản cà phê, chế biến sản phẩm từ bột gạo. Các nghề sản xuất, sửa chữa, vận hành, lắp ráp, đánh bắt hải sản… cũng được Bộ NN và PTNT công nhận là nghề cho lao động nông thôn. Như vậy ngành nghề nông thôn đã được mở rộng. Quan trọng là từng địa phương, từng khu vực chọn dạy nghề gì cho hợp và sau học là hành nghề được. Trong công tác dạy nghề, đội ngũ giáo viên nghề phải giảng dạy phù hợp với trình độ của lao động nông thôn. Thực tế trong những năm qua, hiện tượng dạy nghề tràn lan theo phong trào, tổ chức, cá nhân nào cũng có thể dạy nghề cho nông dân miễn là có chương trình, dự án… nên hiệu quả không cao. Kinh nghiệm của Cty CP May Sông Hồng; Cty CP Dệt may Sơn Nam… chính là bài học tốt cho việc dạy nghề, tổ chức sản xuất hình thành làng nghề. Do trình độ của nông dân và điều kiện sống, tập quán sinh hoạt của họ nên giáo viên dạy nghề phải kiên trì. Các cấp chính quyền, nhất là cấp xã phải thật sự quyết liệt trong phát triển nghề phù hợp với địa phương, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, của xã hội. Dạy nghề để hành nghề để giảm bớt lao động nông nghiệp phục vụ cho cơ giới hoá nông nghiệp, tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Xây dựng làng nghề cần xây dựng các doanh nghiệp, các tổ hợp nghề của địa phương đủ sức mạnh, có sản phẩm nghề độc đáo, có tiềm lực kinh tế, có uy tín trên thị trường và với người làm nghề; đồng thời các doanh nghiệp, tổ hợp nghề luôn nắm bắt các thông tin thị trường mở rộng thị trường cũng như thay đổi mẫu mã sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào làm nghề để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phù hợp với thị trường, thị hiếu của khách hàng. Có như vậy, việc phát triển ngành nghề, làng nghề mới thiết thực đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.
Tất Thắc