Kinh nghiệm dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông nội đồng của thôn Liêm Trại

02:05, 10/05/2012

Thôn Liêm Trại xã Mỹ Thịnh là địa phương hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) sớm nhất huyện Mỹ Lộc. Ngoài ra, thôn cũng đã hoàn thành sớm việc xây dựng hệ thống giao thông nội đồng. Những kết quả, cách làm của thôn Liêm Trại là bài học cần được nhân rộng.

Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu

Thực hiện kế hoạch DĐĐT năm 2011 của UBND tỉnh, Mỹ Lộc chọn 3 xã làm điểm là Mỹ Tân, Mỹ Thắng, Mỹ Thuận với tổng số 44 thôn tham gia DĐĐT. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đến nay kết quả DĐĐT của toàn huyện nói chung và 3 xã làm điểm nói riêng chưa đạt tiến độ đề ra. Là địa phương không phải đơn vị làm điểm, nhưng thôn Liêm Trại, chỉ trong 22 ngày (từ ngày 2 đến ngày 24-12-2011) đã hoàn thành DĐĐT, giảm từ 5-7 thửa/hộ xuống còn 1-2 thửa/hộ. Với cách làm “riêng có” nhưng hiệu quả, UBND huyện Mỹ Lộc đã quyết định thưởng “nóng” cho thôn Liêm Trại và tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn huyện.

Trước khi thực hiện DĐĐT, ruộng đất nông nghiệp của thôn Liêm Trại được xếp vào hàng manh mún nhất huyện. Theo thống kê, bình quân toàn thôn có từ 5-7 thửa/hộ, cá biệt có hộ tới 12-13 thửa, phân bố trên nhiều xứ đồng… Nhiều hộ chỉ có trên 1 mẫu ruộng nhưng phải đi làm ở 6, 7 xứ đồng. Ruộng đất manh mún dẫn đến sản xuất thiếu tập trung, mất nhiều công lao động mà hiệu quả không cao. Sau khi thành lập, tiểu ban DĐĐT thôn Liêm Trại đã trực tiếp ra từng xứ đồng khảo sát thực địa, rồi căn cứ vào quy hoạch, định hướng nuôi trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp của thôn để xây dựng đề án DĐĐT. Sau khi xây dựng, đề án DĐĐT của thôn được đưa đến toàn bộ 141 hộ dân trong thôn để góp ý, bổ sung rồi mới đưa ra triển khai. Đặc biệt, từ lúc đo đạc, phân loại ruộng, xây dựng đề án cũng như khi triển khai đề án ở Liêm Trại đều tuân thủ nghiêm nguyên tắc để nhân dân giám sát, nhân dân cùng triển khai; sau đó, lãnh đạo thôn trình lên xã để khớp với quy hoạch chung.

Đường giao thông nội đồng tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp ở thôn Liêm Trại.
Đường giao thông nội đồng tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp
ở thôn Liêm Trại.

Nguyên nhân dẫn đến thành công của thôn Liêm Trại trong DĐĐT trước hết từ ý thức, hành động gương mẫu, dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích cộng đồng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cũng như các địa phương khác, ruộng đất của Liêm Trại có mảnh tốt, mảnh xấu, ruộng xa, ruộng gần. Vì vậy, không thể tránh được tâm lý một số hộ có ruộng tốt, ruộng gần không muốn dồn đổi. Trước thực tế ấy, cùng với việc đến từng hộ để thuyết phục, giải thích rõ về mục đích, ý nghĩa của DĐĐT đối với phát triển kinh tế của cả thôn, cả xã, đội ngũ cán bộ, đảng viên của thôn đã gương mẫu xung phong nhận những ruộng xấu, ruộng xa để tạo sự đồng thuận toàn thôn. Ông Phạm Quý Nhợi, Bí thư Chi bộ thôn Liêm Trại cho biết: “Nhà tôi có 5 mảnh ruộng với tổng diện tích 1,4 mẫu đều ở chân ruộng tốt. Khi họp với nhân dân để bàn việc dồn đổi ruộng, tôi xin nhận 2 mảnh ở chân ruộng xấu, vị trí xa nhất của thôn là đồng Bún”. Cũng như vậy, Trưởng thôn Phạm Văn Tấn có 10 mảnh ruộng, tổng diện tích gần 2,2 mẫu cũng xung phong đổi thành 1 mảnh ruộng được cho là xấu nhất thôn ở đồng Giới Trường. Không chỉ có bí thư, trưởng thôn, cả 14 đảng viên của chi bộ Liêm Trại đều tự nhận ruộng xấu như hộ bà Phạm Thị Tần, hộ anh Phạm Văn Minh… Nói thì dễ, nhưng để có được hành động này nhiều cán bộ, đảng viên trong thôn cũng phải vượt qua không ít trở ngại vì hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn, người thân can gián... Rồi phải phân tích để mọi người trong nhà và các hộ trong thôn thấy rằng kể cả ruộng xấu nhưng liền mảnh, liền thửa thì trồng cấy gì cũng thuận lợi, hiệu quả không thua kém ruộng tốt nếu mỗi nơi một mảnh!…

Đồng chí Đặng Kim Chiến, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo DĐĐT huyện Mỹ Lộc cho rằng, việc nhận ruộng xấu, ruộng xa của cán bộ, đảng viên thôn Liêm Trại đã tạo hình ảnh đẹp và trở thành động lực để các hộ dân trong thôn đồng tình, tự động đổi ruộng và bảo nhau thực hiện.

Đặt quyền lợi của cộng đồng lên trên!

Ngay sau khi hoàn thành DĐĐT, thôn Liêm Trại tiếp tục hoàn thành xây dựng hệ thống giao thông nội đồng. Liêm Trại là thôn thuần nông, lại là vùng trũng nên thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ đạt trên 10 triệu đồng/người/năm. Vậy động lực nào để người dân Liêm Trại vượt khó, góp sức người, sức của hoàn thành hệ thống giao thông nội đồng sớm hơn so với các thôn, xã khác có điều kiện kinh tế cao hơn?. Trưởng thôn Phạm Văn Tấn cho biết: “Làm giao thông nội đồng hay bất kỳ công việc gì của làng xã, muốn thành công thì trước tiên phải để dân thấy rõ làm là vì dân, khi làm phải đặt quyền lợi của nhân dân, của cộng đồng lên trên tất cả!”. Ngay sau khi hoàn thành DĐĐT, cán bộ thôn Liêm Trại lại tổ chức họp dân, đến từng hộ phân tích thấu đáo về việc đã có ruộng liền thửa, để vụ tới và những vụ sau cày cấy thuận lợi hơn, máy móc ra đến tận ruộng, xe ra tới tận bờ thì trước tiên phải có hệ thống đường nội đồng kiên cố. Khi nhân dân đã đồng tình, bài toán khó nhất là làm thế nào để làm đường đồng khang trang nhưng huy động đóng góp không quá sức dân (?). Người dân trong thôn đã cùng ra đồng đo đạc, tính toán cách làm hợp lý. Do có nhiều xứ đồng nên tổng số đường nội đồng của thôn Liêm Trại dài tới trên 5km với đường trục chính dài 805m, đường ngang, đường đỗi dài 4.458m. Sau khi nghiên cứu, nhân dân thôn Liêm Trại đều đồng tình với phương án là tự bỏ công lao động để đào đắp toàn bộ đường ngang, đường đỗi để tiết kiệm chi phí, chỉ huy động đóng góp kinh phí để thuê máy đắp đường trục chính và mua nguyên vật liệu. Nguyên tắc đóng góp theo đầu sào để đảm bảo công bằng. Sau khi thống nhất, nhân dân Liêm Trại đã bỏ sức ra đào đắp trên 4.450m3 đất để đảm bảo mặt đường trục chính rộng 4m, đường phụ rộng 3m. Có nhiều hộ ngày phải làm mùa, tối bảo nhau thắp đèn đào đắp cho đủ phần trách nhiệm của gia đình với thôn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thôn vừa chỉ đạo, vừa tham gia đào đắp. Sau khi huy động đóng góp làm cống, thủy lợi hết 105 triệu đồng (20% kinh phí do ngân sách xã hỗ trợ), để người dân dành vốn đầu tư cho vụ mới, thôn Liêm Trại ký hợp đồng hoàn thiện đường theo hình thức làm trước, trả kinh phí sau. Kinh phí được trả sau khi thu hoạch 2 vụ với mức thu 80 nghìn đồng/vụ. Mặc dù ký hợp đồng thuê nhưng toàn bộ việc giám sát chất lượng, tiến độ công trình vẫn do người dân trong thôn thực hiện. Đến cuối tháng 1-2012, hệ thống đường giao thông nội đồng của thôn đã hoàn thành, kịp phục vụ nông dân đồng loạt xuống đồng cấy lúa xuân.

Đến thôn Liêm Trại những ngày đầu tháng 5 này, các xứ đồng đều xanh sẫm màu lúa đang trong thời kỳ làm đòng. Gương mặt người nào cũng phấn chấn vì lúa tốt, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Bà Lê Thị Thắm chỉ xuống thửa ruộng rộng 8 sào xanh ngát phấn khởi: “Nhờ DĐĐT và hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng thuận tiện nên tiến độ vụ gieo cấy vừa qua của Liêm Trại nhanh nhất xã, hộ nào cũng bớt được hàng chục công lao động”. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Khang, tất cả các thôn còn lại của xã đã đến Liêm Trại để học tập kinh nghiệm. Ở đâu người dân cũng muốn thôn mình có ruộng, có đường đồng, lúa xuân tốt như của Liêm Trại. Từ thôn Liêm Trại, xã Mỹ Thịnh sẽ có bước đột phá về DĐĐT, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng ngay trong năm 2012./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com