Hải Trung phát triển ngành nghề

07:05, 10/05/2012

Trong số 9 làng nghề vừa được UBND huyện Hải Hậu công nhận, có làng nghề sản xuất đồ gỗ Phạm Rỵ của xã Hải Trung. Người thôn Phạm Rỵ gắn bó với nghề mộc từ những năm 1935-1940. Nhiều thợ giỏi của làng đã từng đi khắp các địa phương tham gia xây dựng các nhà thờ, đền đài và nghề truyền thống đó được phát huy đến ngày nay.

Cơ sở làm nơ xuất khẩu của chị Trần Thị Hương, ở xóm 4 (Hải Trung) tạo việc làm cho 50 lao động, thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng.  Bài và ảnh: Hữu Quyết
Cơ sở làm nơ xuất khẩu của chị Trần Thị Hương, ở xóm 4 (Hải Trung) tạo việc làm cho 50 lao động, thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được nghệ nhân Phạm Quốc Toản ở xóm 8 (ông vừa được UBND huyện Hải Hậu công nhận là nghệ nhân) vì ông đang chỉ đạo một tốp thợ của làng sửa chùa Bích Câu - Đạo Quán (Hà Nội). Chùa Bích Câu - Đạo Quán được phục dựng toàn bộ, thời gian dự tính khoảng một năm. Nghệ nhân Phạm Quốc Toản cho biết, năm 2011, ông nhận thi công chùa Đậu ở huyện Thường Tín (Hà Nội) gồm phục dựng ngôi chính tam bảo, thánh điện, thượng điện thời gian kéo dài trong 1 năm, tạo việc làm cho 35 lao động trong xã. Ông Hoàng Văn Tai ở xóm 8 hiện cũng đang dựng Đền thờ Bác Hồ ở tỉnh Trà Vinh, thời gian làm trong 2 tháng, tạo việc làm cho 10 lao động. Để giảm chi phí khi xây dựng các công trình ở ngoài tỉnh, các nghệ nhân thường sử dụng một số thợ giỏi của làng nghề, còn lại thuê lao động tại địa phương có công trình; một số công đoạn còn được gia công tại nhà và chuyển đến công trình. Thôn Phạm Rỵ có 614 hộ thì có trên 320 hộ làm nghề mộc, trong đó hơn 20% số hộ có 5-10 lao động, thợ giỏi có thu nhập 200-250 nghìn đồng/ngày. Để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm hầu hết các hộ đều đầu tư máy móc chuyên dụng. Các ông Phạm Văn Liểu, Hoàng Văn Tai, Phạm Văn Vi, Phạm Văn Khang… là những thợ giỏi, thường nhận được nhiều đơn đặt hàng nên đã chủ động liên kết với các hộ sản xuất trong làng để thực hiện các hợp đồng có khối lượng lớn, thời gian đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Để nghề mộc phát triển ổn định và bền vững, vừa qua xã Hải Trung đã xây dựng đề án phát triển làng nghề mộc Phạm Rỵ. Xã đã chỉ đạo các cấp, các ngành tham gia tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân xây dựng làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Quy mô làng nghề có tổng diện tích 17,5ha. Các hộ trong làng có điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, xã còn tổ chức đổ bê tông đường dong thôn, xóm mở rộng mặt đường 5-7m tạo thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của làng nghề, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp, con em của quê hương về đầu tư sản xuất tại địa phương.

Ngoài nghề mộc, xã Hải Trung khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ đưa thêm nghề mới về xã, mở rộng nghề đã có. Bởi vậy, hiện nay ngành nghề ở Hải Trung khá đa dạng. Trong xã có nhiều đội xây dựng, tạo việc làm thường xuyên cho 1.000-1.500 lao động. Tiêu biểu như đội xây dựng của anh Trần Văn Huy ở xóm 10 có 30 lao động; đội xây dựng của anh Chư ở xóm 5 có trên 30 lao động. Các đội xây dựng đều đã nhận được nhiều công trình có giá trị lớn trong và ngoài tỉnh, thu nhập của thợ xây từ 120-170 nghìn đồng/người/ngày. Nghề may ở xã cũng phát triển mạnh với nhiều tổ hợp, bảo đảm việc làm cho 500-600 lao động. Cơ sở may của chị Trần Thị Nguyệt ở xóm 14 tạo việc làm cho 30 lao động; cơ sở của chị Nguyễn Thị Yến ở xóm 16, anh Nguyễn Văn Quang ở xóm 5…, mỗi cơ sở tạo việc làm cho 20-30 lao động, thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Một số nghề mới được đưa về xã bước đầu sản xuất ổn định và đang được nhân rộng. Nghề làm nơ xuất khẩu sang Nhật Bản được chị Trần Thị Hương đứng ra tổ chức sản xuất, tạo việc làm cho trên 50 lao động, thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất mây tre đan, bẹ chuối, đan cói của chị Trần Thị Tươi tạo việc làm cho hàng chục lao động; sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp và Trung tâm Dạy nghề huyện đảm nhận tiêu thụ.

Phát triển ngành nghề, mở rộng kinh doanh đã nâng giá trị sản xuất công nghiệp - dịch vụ năm 2011 của Hải Trung đạt tỷ trọng trên 63% trong cơ cấu kinh tế của xã./.

Bài và ảnh: Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com