Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Hải Quang (Hải Hậu) đã tập trung lãnh đạo, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động của địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Xã đã đưa các giống lúa mới, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt như: Bắc thơm số 7, D.ưu 527, Nhị ưu 838… vào cơ cấu giống lúa trong sản xuất nông nghiệp hằng năm, đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là phương pháp gieo sạ hàng. Xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng phương pháp gieo sạ hàng và hỗ trợ mua ống sạ 300 nghìn đồng/ống. Phương pháp gieo sạ hàng được xã thí điểm thực hiện từ vụ xuân năm 2009. Vụ xuân 2012, diện tích gieo sạ của xã chiếm trên 60% diện tích trồng lúa. Qua thực tế, phương pháp gieo sạ hàng góp phần tăng năng suất từ 10-15%, tiết kiệm chi phí, ngày công lao động. Nhờ đó, 3 năm qua, năng suất lúa của xã ổn định từ 125-130 tạ/ha, sản lượng lương thực hằng năm đạt trên dưới 6.000 tấn. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xã Hải Quang đã triển khai và hoàn thành cơ bản trong năm 2011, sau dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân của xã đã được giảm xuống 2,2 thửa/hộ. Ngoài ra, xã đã chuyển đổi 13,5ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng rau màu, sinh vật cảnh, nâng tổng diện tích chuyển đổi lên 43ha, thu hút trên 40 hộ tham gia với các mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp. Diện tích chuyển đổi đã sản xuất ổn định, thu nhập đạt 80-100 triệu đồng/ha/năm, trong đó có một số hộ có thu nhập cao từ 180-200 triệu đồng/năm như hộ các ông: Lương Đức Thọ, xóm 17; Nguyễn Văn Luyện, xóm 2; Lâm Văn Luyện, xóm 6… Ông Lương Đức Thọ cho biết, trại cá giống của ông có diện tích 7 mẫu, trong đó có 4 mẫu mặt nước được chia thành 16 ao và hệ thống bể gồm 1 bể chứa, 4 bể ấp, 1 bể đẻ chuyên sản xuất cá giống nước ngọt. Bình quân mỗi ngày, trại cá giống sản xuất và bán được trên 100 vạn con giống cho người nuôi ở trong huyện, trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa… Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu nhập từ trại cá giống của gia đình ông đạt 180-200 triệu đồng. Để phát triển chăn nuôi, xã đã tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và vận động các hộ đầu tư xây dựng chuồng trại theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Hằng năm, đàn lợn của xã vẫn duy trì ở mức 4.500-5.000 con, trong đó có 1.500 con lợn nái; tổng sản lượng thịt đạt trên 3.500 tấn. Đàn gia cầm thường xuyên được duy trì ở mức 35 nghìn con. Toàn xã có gần 30 hộ đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại với quy mô 50-100 con lợn thịt, 200-1.000 con vịt đẻ, mỗi gia trại mỗi năm thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên. Một số hộ đầu tư lớn, có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm là hộ các ông: Lâm Quang Đạo (xóm 5); Nguyễn Văn Hạnh (xóm 6); Mai Quang Hợp (xóm 17)… Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, xã Hải Quang đã phát triển một số nghề: cơ khí, may công nghiệp, mộc dân dụng, trồng nấm…, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Trên địa bàn xã hiện có 4 cơ sở may công nghiệp với trên 100 máy may, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 120 lao động. Nghề đan móc sợi đã phát triển ở cả 18 xóm, thu hút trên 300 lao động.
Để phát triển kinh tế bền vững, xã Hải Quang tiếp tục quy hoạch chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Xã phấn đấu năng suất lúa đạt 127-130 tạ/ha/năm, tổng sản lượng lương thực từ 6.000 tấn trở lên, đồng thời tiếp tục phát triển ngành nghề, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân./.
Thành Trung