Giao Thủy phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân

08:05, 08/05/2012

Để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Giao Thủy đã đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Cùng với việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức giao lưu để các doanh nghiệp thu mua nông sản trực tiếp tìm hiểu và ký hợp đồng thu mua với nông dân, huyện ủy thác cho các doanh nghiệp đầu mối lớn tại địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Tiêu biểu là HTX Hồng Phong (xã Giao Phong) đã liên kết với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật trồng rau sạch và làm cầu nối, bảo lãnh cho các hộ sản xuất ký kết và xuất bán nông sản cho các đầu mối trong và ngoài tỉnh về thu mua. Để nông sản của các hộ dân được bán với mức giá cao, HTX xây dựng mô hình trồng rau sạch, điều hành mọi công đoạn từ cơ cấu giống, thời vụ, quy trình chăm sóc, thu hoạch đến thời gian tiêu thụ. Nhờ đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn từ các thành phố lớn đến thu mua nông sản. Hiện nay, sản phẩm rau củ của xã Giao Phong đã có mặt tại các siêu thị lớn tại: Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Trung.

Sản phẩm ngao sạch Giao Thuỷ được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm ngao sạch Giao Thuỷ được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trong trồng trọt, huyện Giao Thuỷ đã xây dựng nhiều cánh đồng sản xuất vụ đông lớn, mô hình cánh đồng mẫu lớn. Trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ, hải sản, huyện có số lượng trang trại nhiều nhất tỉnh. Trong đó, có 3 trang trại trồng trọt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên tại các xã Bình Hoà, Giao Hà, Giao Thịnh; có 13 trang trại chăn nuôi tập trung với số lượng lớn xa khu dân cư, có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên tại các xã: Giao Hương, Giao Hải, Giao Hà, Hoành Sơn, Giao Tiến, Giao Thịnh, Giao Châu, Bạch Long; có 135 trang trại nuôi thuỷ sản có giá trị thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên, tập trung tại các xã: Giao Lạc, Giao An, Giao Xuân, Giao Thiện... Để hoạt động tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt hiệu quả cao, huyện đã xây dựng đề án mở rộng quy mô diện tích nuôi trồng, nâng cao chất lượng các loại nông sản. Trước mắt hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa trong năm 2012, tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, tập trung phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai, lao động, đẩy mạnh phát triển sản phẩm trong chăn nuôi và trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, ngành trồng trọt tập trung sản xuất theo vùng và thực hiện 3 cùng: “Cùng cánh đồng, cùng giống, cùng thời vụ”. Quy hoạch vùng sản xuất giống lúa, vùng sản xuất khảo nghiệm các giống lúa mới với diện tích 12 đến 18ha tại những xã đã có kinh nghiệm sản xuất như Giao Thịnh, Giao Hải, Giao Hà, Giao An, Giao Tiến. Ngay trong năm 2012, xã tiến hành sản xuất 2 đến 3ha lúa lai F1, diện tích 10 đến 15ha; còn lại sản xuất các giống lúa thuần và khảo nghiệm các giống lúa mới có triển vọng. Xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản và lúa chất lượng cao đạt diện tích 4.000ha vào năm 2015; trong đó, diện tích lúa đặc sản phấn đấu đạt 600ha bằng giống nếp cái hoa vàng tại các xã: Giao Hương, Giao Thiện, Giao Nhân, Giao Hải, Giao Long, Giao Hà, Bình Hòa; diện tích còn lại cấy các giống lúa thuần chất lượng cao tại tất cả các xã, thị trấn. Năm nay, trên diện tích đất hai lúa, các địa phương đã bố trí cấy 4% diện tích (300ha) bằng các giống lúa mùa sớm để có quỹ thời gian sản xuất cây vụ đông. Các năm sau, huyện phấn đấu mỗi năm tiếp tục mở rộng 200ha, đến năm 2015 đạt 1.000ha trồng cây vụ đông trên đất hai lúa. Tại các vùng đất màu của các xã Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh, Thị trấn Quất Lâm tiếp tục phát triển mạnh diện tích trồng lạc, cà chua, dưa chuột, ngô, rau các loại. Các xã Hoành Sơn, Giao Hà, Giao Nhân… tập trung trồng gối lứa các loại rau màu có giá trị kinh tế cao; đồng thời từng bước xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn đi đôi với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Riêng các xã Giao Phong, Giao Thịnh, Giao Yến tập trung mở rộng diện tích khoai tây vụ xuân lên 45ha vào năm 2015 để chủ động lượng giống cho vụ sau; phát triển diện tích trồng khoai tây đông từ 120ha lên 220ha vào năm 2015 theo hướng sản xuất hàng hóa, đạt sản lượng và chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển thêm 12 trang trại trồng trọt tại các xã: Giao Hà, Giao Lạc, Giao Nhân, Hoành Sơn… Trong chăn nuôi, tiếp tục ứng dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cải thiện chất lượng đàn nuôi và quy trình chăm sóc; toàn huyện phấn đấu phát triển thêm 32 trang trại chăn nuôi. Trong nuôi trồng thuỷ sản, toàn huyện phấn đấu phát triển thêm 118 trang trại tại các xã còn nhiều diện tích vùng trũng ven đê, ven sông, vùng bãi bồi ven biển. Tập trung vốn, nhân lực, tiếp thu công nghệ để mở rộng và sử dụng có hiệu quả diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở các vùng nuôi nước ngọt, mặn lợ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com