Công tác dồn điền, đổi thửa ở Giao Thịnh

05:05, 19/05/2012

Xã Giao Thịnh (Giao Thủy) có diện tích đất nông nghiệp 719,97ha, trong đó đất trồng lúa 525,98ha, đất nuôi trồng thủy sản 95,4ha, còn lại là đất trồng màu. Do cốt đất phân vùng cao thấp không đều; hệ thống đường nội đồng nhỏ, hẹp nên không đáp ứng được yêu cầu cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đường giao thông nông thôn xã Giao Thịnh được đổ bê tông phong quang, sạch đẹp.
Đường giao thông nông thôn xã Giao Thịnh được đổ bê tông phong quang, sạch đẹp.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện về tiếp tục dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) phục vụ yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã Giao Thịnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. UBND xã đã xây dựng đề án quy hoạch đồng ruộng, các xóm tổ chức họp dân để bàn bạc. Trên cơ sở quy hoạch chung của xã và thực tế đồng ruộng, các xóm đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Các xóm đã thành lập các tiểu ban thực hiện DĐĐT gồm bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng các đoàn thể và đại diện các hộ dân. Do có sự dân chủ, thống nhất trong khâu tổ chức thực hiện nên các xóm 7, 9, 10, 11, 12 có trên 30ha đất nông nghiệp do cốt đất cao thấp không đồng đều, đã đề xuất với UBND xã ký kết với Cty Sản xuất vật liệu xây dựng Xuân Thủy hạ thấp cốt đất, cải tạo mặt bằng đồng ruộng để phù hợp với sản xuất. Các xóm vận động các gia đình trong cùng dòng họ, hoặc một nhóm hộ tự dồn vào một vùng để sản xuất, sau đó hộ nào có điều kiện sẽ thuê, mượn lại ruộng để đầu tư thâm canh theo hướng sản xuất hàng hoá. Đồng chí Đinh Văn Chỉ, xóm trưởng xóm 8 cho biết: Do thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên nhân dân đều đồng tình, nhất trí và tự giác thực hiện, không xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, mất đoàn kết trong quá trình thực hiện. Kết quả sau khi DĐĐT, xóm 8 đã giảm trên 60% số thửa ruộng; bình quân mỗi hộ có 1,5 thửa, số hộ có 1 thửa chiếm trên 10%. Trong quá trình thực hiện DĐĐT, nhân dân trong xã đã tự hiến 18ha đất để xây dựng đường giao thông và hệ thống thủy lợi nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới.

Sau khi thực hiện DĐĐT, xã Giao Thịnh đã hình thành 4 vùng sản xuất chuyên canh, gồm: vùng trồng cây vụ đông; vùng trồng lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao; vùng trồng lúa có năng suất cao; vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Từ vụ lúa xuân năm 2012, nhiều hộ dân đã đưa máy móc vào phục vụ sản xuất và áp dụng phương pháp gieo sạ hàng... Nhiều hộ dân đã đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở vùng quy hoạch. Nhiều hộ đã đầu tư phương tiện, máy móc kỹ thuật mở dịch vụ làm đất, gặt đập, chế biến lương thực… Cũng từ việc thực hiện DĐĐT gắn với xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới nên hiện nay đường ra đồng được mở rộng, việc vận chuyển bằng xe cơ giới đã tạo thuận lợi cho nhân dân trong sản xuất. Đến nay, xã Giao Thịnh đã hoàn thành xây dựng đường trục bờ vùng, bờ thửa với đường trục chính dài 9.417m, mặt đường rộng 5m; đường nhánh dài 20.138m, rộng 4m và 16.763m bờ vùng, rộng 3,5m…

Những kết quả trong công tác DĐĐT ở Giao Thịnh đã giải quyết được tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất, hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com