Địa bàn nông thôn của tỉnh ta có gần 1 triệu 676 nghìn người, chiếm 87,5% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, mức thu nhập của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện nên có sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng và yêu cầu cao hơn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nắm bắt được cơ hội đó, những năm gần đây, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đã không ngừng nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các cơ sở kinh doanh đều tích cực tái đầu tư sau bán hàng để mở rộng quy mô cung ứng hàng hóa. Đặc biệt các cơ sở kinh doanh còn thay đổi chiến lược bán hàng từ cách chỉ cung cấp những sản phẩm bình dân sang cung ứng thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao; có nhiều cơ sở chuyển hẳn sang cung ứng các mặt hàng cao cấp. Tại các khu vực trung tâm thị trấn, thị tứ, phần lớn các cơ sở kinh doanh đều chọn bán các mặt hàng gia dụng hiện đại như: máy vi tính, ti vi, xe máy, máy điều hòa, bình nóng lạnh, bếp gas… Riêng các cơ sở kinh doanh xe máy luôn chủ động tiếp cận với nhà sản xuất để kịp thời nhập nhãn hiệu xe mới nhất về cung cấp cho người tiêu dùng. Ngay các mặt hàng nông sản, cũng được tăng cường về số lượng và được đa dạng về chủng loại, chất lượng hàng hóa để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho cả người thu nhập cao cũng như thu nhập thấp. Sự thay đổi này không chỉ thu hút được lượng khách hàng lớn hơn mà còn góp phần kích thích được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện tại, với mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm cho việc cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống chợ nông thôn, đến nay, đã có gần 80% số xã, thị trấn trong tỉnh có chợ, tăng 2,9% so với năm 2006. Đây là điều kiện cơ bản kích cầu tiêu dùng nông thôn. Tiêu biểu như các chợ Thị trấn Quất Lâm, chợ Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ), chợ Đông Biên xã Hải Bắc, chợ Đền xã Hải Anh (Hải Hậu)… đã thu hút được người dân các xã lân cận, thậm chí cả khách vãng lai. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư, nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, đảm bảo cho các phương tiện có trọng tải lớn lưu thông, tạo thuận lợi trong việc luân chuyển hàng hóa, nâng cao hiệu quả cung ứng hàng hóa cho người dân nông thôn.
Cửa hàng tự chọn tại Thị trấn Lâm (Ý Yên) cung cấp các sản phẩm chính hãng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. |
Cùng với chính sách khuyến khích đưa hàng về nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng, các huyện đã chủ động kêu gọi sự tham gia đóng góp của chính các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, buôn bán đầu tư vào lĩnh vực thương mại nông thôn, tạo sức bật để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân. Với chiến lược mở rộng thị trường khu vực nông thôn như lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và tâm lý người dân; tìm cách hạ giá thành sản phẩm và đẩy mạnh chương trình thông tin quảng cáo tới vùng nông thôn… nhiều đơn vị đã thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường nông thôn. Siêu thị BigC là đơn vị thành công nhất trong việc thu hút khách hàng khu vực nông thôn tới mua sắm hàng hóa thông qua việc lựa chọn mặt hàng cung ứng và ưu tiên lựa chọn nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương để hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời trực tiếp tổ chức sản xuất hàng trăm mặt hàng thiết yếu mang nhãn hiệu BigC nhằm giảm tối đa các chi phí sản xuất, phân phối, đưa sản phẩm chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng với mức giá thấp nhất phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân nông thôn. Một số sản phẩm dầu ăn, mỳ tôm, nước giải khát, xà phòng, giấy vệ sinh… mang nhãn hiệu BigC được người dân khu vực nông thôn lựa chọn. Bên cạnh đó, BigC đã đa dạng hóa các hình thức quảng cáo như phát hành danh mục các mặt hàng ưu đãi của đơn vị tới tận tay người dân thông qua hệ thống nhân viên tiếp thị; tổ chức 4 tuyến xe buýt mỗi ngày đến tận các huyện đón, trả khách hàng. Hiện tại, BigC đang đề xuất với chính quyền các xã, thị trấn thực hiện đưa hàng hóa về địa bàn nông thôn theo cách tổ chức các gian hàng ngay tại các phiên chợ quê để tiếp cận với khách hàng không có điều kiện đi xa, đồng thời tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng để hoàn thiện chiến lược chiếm lĩnh thị trường nông thôn. Chị Nguyễn Thị Nga, chủ đại lý đồ điện tại Thành phố Nam Định cho biết: Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, tôi đã chủ động mở các cửa hàng tại trung tâm huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ và Hải Hậu, cung ứng hàng chính hãng trực tiếp cho người tiêu dùng. Do đó lượng tiêu thụ hàng hoá tăng lên đáng kể so với trước đây. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp địa phương cũng chủ động đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới cách thức bán hàng để kích thích nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tiêu biểu như cửa hàng tự chọn Nam Nguyệt tại Thị trấn Lâm (Ý Yên), đã cung ứng 2.400 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cửa hàng còn chủ động tìm kiếm và ký kết nhập hàng từ chính hãng, nhằm cung cấp đến người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao với mức giá thấp hơn so với thị trường. Để kích thích tiêu dùng của khách hàng, cửa hàng áp dụng hình thức để người mua tự lựa chọn sản phẩm và cam kết bảo lãnh về giá cả và chất lượng tất cả các mặt hàng. Các biện pháp trên đã giúp cửa hàng nhanh chóng tạo dựng được niềm tin, thu hút được sức mua của nhiều người dân trên địa bàn huyện tìm đến mua hàng. Vào những đợt cao điểm như dịp áp Tết, Thanh minh, rằm Trung thu, khai giảng năm học mới, cửa hàng đã có gần 700 lượt khách/ngày với hơn 500 hóa đơn thanh toán…
Bằng các biện pháp đồng bộ từ phía nhà quản lý và doanh nghiệp, thị trường tiêu dùng khu vực nông thôn đã trở nên sôi động, với chất lượng và giá cả hàng hóa ổn định./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương