Yên Khang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá

07:04, 03/04/2012

Trong 2 năm trở lại đây, nghề nuôi lợn rừng đã nhanh chóng được nhân rộng ở xã Yên Khang (Ý Yên). Là người đầu tiên nuôi lợn rừng, anh Trần Văn Quý ở thôn Uy Nam cho biết, đầu năm 2007, sau khi tham quan, học tập mô hình nuôi lợn rừng ở tỉnh Ninh Bình, anh đã đầu tư hơn 40 triệu đồng mua 4 con lợn rừng giống ở tỉnh Hòa Bình về nuôi thả. Đến nay, đàn lợn rừng của gia đình anh mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, đàn lợn rừng của gia đình anh Quý có 3 con lợn nái và 18 con lợn con. Theo anh Quý, nuôi lợn rừng không cần đầu tư nhiều cho việc xây dựng chuồng trại, mà phải kết hợp nuôi nhốt với thả rông. Thức ăn chủ yếu của lợn rừng là các loại rau, ngô, khoai, sắn, thân cây chuối, cám gạo… Lợn rừng có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh. Lợn rừng nái mắn đẻ, 2 năm có thể đẻ 5 lứa, mỗi lứa bình quân từ 10-12 con. Tính ra, mỗi con lợn rừng thương phẩm, gia đình anh lãi từ 1,4-1,6 triệu đồng sau 5-6 tháng nuôi. Năm 2012, anh tiếp tục đầu tư xây dựng 2 khu chuồng trại rộng khoảng 2.000m2 để nuôi thả thêm 50 con lợn rừng do nhu cầu của thị trường lớn. Đến nay, nghề nuôi lợn rừng đã được nhân rộng ở một số hộ dân trong xã. Ngoài nuôi lợn rừng, anh Quý còn nuôi thử nghiệm 12 con dúi. Mỗi đôi dúi bố mẹ có giá 1,5 triệu đồng, mỗi năm đẻ 4 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3-5 con. Thức ăn của dúi chủ yếu là tre, mía, ngô, chỉ cần 0,5m2 có thể nuôi từ 4-5 con, sau 4-5 tháng có thể xuất bán với trọng lượng trung bình từ 1,5-2 kg/con. Hiện tại, giá thịt dúi là 400 nghìn đồng/kg, tính ra nuôi dúi lãi gấp 5 đến 6 lần nuôi lợn truyền thống.

Đàn lợn rừng của gia đình anh Trần Văn Quý ở thôn Uy Nam, xã Yên Khang (Ý Yên) mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Đàn lợn rừng của gia đình anh Trần Văn Quý ở thôn Uy Nam, xã Yên Khang (Ý Yên) mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Ngoài các con nuôi đặc sản, các hộ dân trong xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa. Đến nay, trên địa bàn xã có 7 gia trại, mỗi gia trại nuôi từ 60-70 con lợn. Năm 2011, tổng đàn lợn của xã đạt 500 con, đàn gia cầm có 4.300 con, trong đó có 1.700 con vịt và 2.600 con gà. Xã đã quy hoạch chuyển đổi 40ha cấy lúa năng suất thấp sang mô hình lúa + cá với phương thức: Nuôi cá kết hợp với cấy lúa ở vụ xuân, sau đó chuyển sang chuyên nuôi cá ở vụ mùa. Tiêu biểu như hộ các ông Nguyễn Văn Cường, Hoàng Văn Nhân, Đỗ Văn Thứ đều thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha/năm từ mô hình trên. Năm 2011, tổng giá trị thu nhập từ chăn nuôi của xã đạt 10 tỷ đồng. Trên diện tích hơn 434ha đất cấy 2 vụ lúa năm, xã gieo cấy các giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo khá với cơ cấu 50% lúa thuần gồm các giống BT7, BC15, nếp N87, N97; còn lại là các giống lúa lai như D.ưu 527, Nhị ưu 838. Vụ xuân năm 2012, xã được Sở NN và PTNT tỉnh phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) xây dựng mô hình gieo cấy thử nghiệm giống lúa thuần QR2 với diện tích 5ha. Bên cạnh đó, xã tích cực mở rộng diện tích gieo sạ hàng, đạt 11ha, tập trung ở các thôn Mễ Hạ, Uy Bắc, Uy Nam. Trong năm 2012, xã sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hoàn thiện việc xây dựng hệ thống thuỷ lợi, hệ thống đường giao thông nội đồng. Xã phấn đấu kết thúc đợt DĐĐT vào cuối năm 2012 để có đủ điều kiện thực hiện xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn vào vụ xuân năm 2013”./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com