Tỉnh ta có 72km bờ biển, trong đó có nhiều bãi biển đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy); đặc biệt là Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, Cồn Lu - Cồn Ngạn là khu rừng ngập mặn với diện tích 7.785ha là điểm dừng chân của rất nhiều loài chim quý… là tiềm năng để phát triển du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, hoạt động du lịch nói chung, du lịch biển của tỉnh nói riêng có sự chuyển biến tích cực. Lượng khách du lịch đến Nam Định ngày càng tăng. Năm 2011, tổng lượng khách đến tham quan các điểm du lịch đạt 1,6 triệu lượt khách; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch, dịch vụ ước đạt 230 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có hơn 300 cơ sở lưu trú với 3.839 buồng phòng, trong đó, hai khu du lịch biển là Quất Lâm và Thịnh Long có gần 300 cơ sở kinh doanh với 1.960 buồng phòng. Nhìn chung, các cơ sở lưu trú tại các khu du lịch biển ngày càng được nâng cấp về trang thiết bị, chất lượng phòng nghỉ, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch lưu trú trong quá trình tham quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại các khu du lịch biển có chuyển biến. Hiện nay, khu du lịch biển Thịnh Long đang trong giai đoạn mở rộng giai đoạn 2 với tổng diện tích toàn khu là 361ha; khu du lịch Quất Lâm có diện tích 151,44ha.
Đồng chí Nguyễn Công Khương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch (Sở VH, TT và DL) cho biết: Thời gian qua, nhiều hãng kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế đã tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng các tuyến, tour du lịch tham quan các khu du lịch biển tại Nam Định. Ngành VH, TT và DL đã phối hợp với ngành Du lịch các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình… xây dựng các chương trình hợp tác, khai thác tiềm năng du lịch biển vùng duyên hải phía Bắc. Đặc biệt, vào cuối năm 2011, Sở VH, TT và DL phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam khảo sát tình hình kinh tế xã hội, trong đó tiến hành khảo sát 72km bờ biển của tỉnh để làm căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành Du lịch Nam Định nói chung và phát triển du lịch biển nói riêng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhờ đó, du lịch biển Nam Định đang tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư, với du khách trong nước và quốc tế, mở ra triển vọng to lớn cho du lịch Nam Định phát triển. Đến nay, nhiều doanh nhân trong và ngoài tỉnh đã đầu tư gần một nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở lưu trú, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tập đoàn Bắc Hà đã khởi công và đang khẩn trương thực hiện dự án khu Resort và vui chơi giải trí Bắc Hà tại khu du lịch Quất Lâm với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Khách sạn Công Đoàn Thịnh Long đang được Tổng Cty Khách sạn trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam nâng cấp đạt tiêu chuẩn ba sao. Tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đang được thử nghiệm tại xã Giao Xuân và sẽ được nhân rộng ra 5 xã vùng đệm. Các dự án nâng cấp quốc lộ 21B và đường 490C là điều kiện thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển các khu du lịch biển của tỉnh.
Khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thủy). |
Tuy nhiên, sự phát triển du lịch nói chung, du lịch biển ở tỉnh ta nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng; hiện mới dừng ở việc khai thác những tiềm năng sẵn có, quy mô hạn chế, chưa tạo được những sản phẩm du lịch có chất lượng và sức cạnh tranh cao; thiếu sự phối hợp, liên kết chặt chẽ ở tầm vĩ mô giữa các địa phương trong vùng và thiếu chiến lược nhằm gắn du lịch đồng bằng sông Hồng với các vùng du lịch trong cả nước. Mặc dù số lượt khách du lịch đến tỉnh ta tăng, năm sau cao hơn năm trước, song xét về cơ cấu thì chỉ có 30% lượng khách có nhu cầu ăn nghỉ, tham quan, mua sắm; còn lại 70% là khách du lịch lễ hội, đi lại trong ngày, mức chi tiêu bình quân thấp. Điều này cho thấy, dù lượng khách đến tham quan các điểm du lịch của tỉnh đông, nhưng hiệu quả hoạt động du lịch dịch vụ còn hạn chế. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật du lịch còn yếu và thiếu đồng bộ; kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và trình độ nghiệp vụ của cán bộ, lao động ngành du lịch còn nhiều bất cập. Hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ thiếu các dịch vụ chất lượng cao như sân tennis, bể bơi, phòng tập đa năng; các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có các mặt hàng, sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Do yếu tố mùa vụ, phần lớn các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tại khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long, vì muốn tiết kiệm chi phí nhân công nên chủ yếu thuê lao động hợp đồng ngắn hạn và lao động phổ thông tại địa phương chưa qua đào tạo. Hiện nay, ngành du lịch của huyện Giao Thủy đang rất thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghề nghiệp và trình độ quản lý. Trên địa bàn huyện hiện có 167 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có 44 nhà nghỉ, khách sạn. Tổng số lao động trong ngành du lịch khoảng hơn 1.390 người, trong đó lao động qua đào tạo thấp, đối tượng được đào tạo chủ yếu là chủ các cơ sở kinh doanh và người quản lý các nhà hàng, khách sạn; hình thức đào tạo chủ yếu qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn. Do đó đa số lực lượng lao động trong ngành còn thiếu chuyên nghiệp; văn hoá ứng xử và trình độ nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Để phát triển du lịch bền vững, huyện Giao Thủy đã xây dựng đề án phát triển du lịch huyện Giao Thủy giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn đến năm 2020. Huyện tập trung phát triển du lịch bền vững, hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo vững chắc an ninh - quốc phòng; đa dạng hoá sản phẩm du lịch, chú trọng đào tạo lực lượng lao động tại chỗ, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Giao Thủy. Trên tinh thần đó, tháng 9-2011, từ chương trình đào tạo nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ, huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch và Dịch vụ Nam Định và Cty TNHH Việt Mỹ tổ chức 3 lớp dạy nghề về dịch vụ - nhà hàng (thời gian học 2 tháng) và kỹ thuật chế biến món ăn (3 tháng) cho 105 lao động của Thị trấn Quất Lâm. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và được doanh nghiệp cam kết nhận vào làm việc tại các khách sạn, nhà hàng tại khu du lịch biển Quất Lâm. Học viên tham gia các lớp học này không chỉ được đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ nhà hàng - khách sạn mà còn được bồi dưỡng về phong cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử và phẩm chất của người phục vụ chuyên nghiệp. Sau khóa học, huyện sẽ tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả của khóa học, từ đó có kế hoạch tổ chức các lớp học tương tự trong những năm tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng tốt phục vụ cho phát triển du lịch của huyện.
Để du lịch biển tỉnh ta phát triển, nhất thiết cần tập trung nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về du lịch. Xây dựng quy hoạch du lịch làm cơ sở triển khai các dự án du lịch để kêu gọi đầu tư. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Kiện toàn và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban quản lý khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ quản lý, điều hành hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ du lịch cho chủ các cơ sở du lịch; nâng cao chất lượng trình độ nghiệp vụ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ nhân viên làm việc trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo các nghề du lịch đã được quy định như lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bếp, hướng dẫn viên du lịch… Bên cạnh đó, công tác quản lý du lịch không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn mà cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc quản lý môi trường du lịch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, tạo tiền đề cho ngành du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng ở tỉnh ta phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Việt Thắng