Từ ngày 11-4, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm từ 5%/năm xuống 4%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Việc kéo trần lãi suất xuống thêm 1% điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế là "mũi tên trúng nhiều đích”.
Thêm động thái hỗ trợ cho doanh nghiệp
Mặc dù trước đó đã có thông tin thời gian tới sẽ hạ lãi suất cơ bản nhưng thông điệp được chính NHNN phát đi vào chiều muộn ngày 10-4: Hạ lãi suất huy động về 12%/năm cũng khiến nhiều người và đặc biệt là giới doanh nhân khá bất ngờ.
Ngoài ra một loạt các mức lãi suất chủ chốt khác cũng được giảm xuống nhằm hỗ trợ mục tiêu hạ lãi suất được NHNN áp dụng. Đây được đánh giá là một tin vui đối với nền kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Thông tư số 08/2012/TT-NHNN, từ ngày 11-4, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm từ 5%/năm xuống 4%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân, cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 13,5%/năm xuống 12,5%/năm.
Việc kéo trần lãi suất huy động xuống thêm 1% của Ngân hàng nhà nước khiến nhiều người và đặc biệt là giới doanh nhân khá bất ngờ |
Cũng từ ngày 11-4, các mức lãi suất chủ chốt trên thị trường mở sẽ giảm 1% theo Quyết định số 693/QĐ-NHNN. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn ở mức 13%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 11%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng là 14%/năm.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm âm 2,13% và hàng loạt doanh nghiệp phá sản hoặc đứng trước nguy cơ phá sản do không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
NHNN chủ động và linh hoạt
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Lần này NHNN lại tiếp tục bắn một mũi tên trúng nhiều đích. Việc hạ lãi suất từ lâu đã nằm trong lộ trình của NHNN. Một lần nữa, NHNN lại chứng tỏ sự điều hành chủ động của mình.
Tuy nhiên, về ý kiến cho rằng chỉ trong vòng 1 tháng, NHNN đưa ra 2 quyết định hạ trần lãi suất? Điều này có quá vội vàng? Ông Dương cho biết, Nghị quyết 11 khẳng định NHNN điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống nhưng phải linh hoạt.
Trong quý I, NHNN đã đạt được thành công lớn là từng bước gỡ nút thắt thanh khoản. Hiện nay tình hình thanh khoản tại các NHTM, tổ chức tín dụng cũng được đánh giá là ổn định, không căng thẳng. Thêm vào đó, tín hiệu thị trường cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng giảm, do vậy hạ thêm một bậc lãi suất cũng không có gì quá ngạc nhiên và vội vàng.
Việc NHNN hạ lãi suất thêm 1% sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp trong tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và giải quyết được mục tiêu tăng trưởng GDP. Kết thúc quý I, bức tranh tăng trưởng kinh tế không mấy sáng sủa. Doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Tăng trưởng GDP quý I-2012 ước đạt 4% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Do vậy, muốn thay đổi tình trạng này có nghĩa là phải thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. "Chính phủ phải cứu doanh nghiệp khi doanh nghiệp còn "sống”, chứ chờ doanh nghiệp "chết” rồi thì hạ lãi suất xuống 12% hay 10% cũng không còn ý nghĩa gì nữa” - ông Dương nhấn mạnh.
Nhưng các ý kiến cũng cho rằng, nếu như chỉ hạ lãi suất mà không thay đổi cung tín dụng thì doanh nghiệp cũng khó thể tiếp cận được lãi suất giá rẻ?
Nhưng trong lần này lại khác, thứ nhất là tăng trưởng tín dụng quý I âm. Như vậy có nghĩa là cung tín dụng, chỉ tiêu tín dụng của các ngân hàng từ giờ tới cuối năm vẫn rất dồi dào, vẫn còn nguyên 15-17%.
Thêm vào đó, NHNN đang có động thái tiến hành sửa đổi Thông tư 13- Thông tư quy định tỷ lệ đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng. Nếu như hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản, chứng khoán từ 250% xuống còn 150%; áp tỷ lệ cho vay so với vốn huy động 95% và 100% đối với các NHTM và Cty tài chính thì nó sẽ thêm kích thích tăng trưởng tín dụng phù hợp. "Lần này NHNN lại tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp”.
Tuy nhiên cũng có những góc nhìn e ngại khác. Một chuyên gia kinh tế cho biết, chưa thể khẳng định giảm lãi suất huy động thì lãi cho vay cũng sẽ thấp đi ngay. Hai chỉ số này có mối quan hệ liên đới chứ không thông nhau. Tuy nhiên, về cơ bản động thái hỗ trợ của NHNN đối với cộng đồng doanh nghiệp là tín hiệu tích cực./.
Theo: daidoanket.vn