Kết quả bước đầu trong công tác dồn điền đổi thửa ở huyện Trực Ninh

08:04, 25/04/2012

Xóm 4, xã Trực Thanh (Trực Ninh) có 114 hộ với trên 300 khẩu. Trước đây xóm có 277 thửa ruộng, bình quân 2,67 thửa/hộ, nhiều hộ gia đình có từ 5-7 thửa. Tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất khiến cho công việc đồng áng của bà con khá khó khăn. Sau khi dồn điền đổi thửa (DĐĐT), số thửa ruộng bình quân mỗi hộ trong xóm đã giảm gần một nửa, chỉ còn 1,43 thửa. Ông Trần Văn Long, xóm trưởng xóm 4 cho biết: Nhờ DĐĐT nên ruộng đồng được quy hoạch tập trung hơn, các hộ tích cực đóng góp kinh phí, hiến đất để xây dựng đường trục xóm, đường nội đồng, công tưới tiêu nước phục vụ lúa xuân. Từ tháng 11-2011 đến nay, nhân dân đã đóng góp gần 70 triệu đồng để đắp đường, làm cống thoát nước... Hệ thống đường trục chính ngoài đồng dài trên 3km của xóm 4 đã được cải tạo, mở rộng 3-4m. Hơn 400m đường ra đồng được đổ bê tông rộng 2,5m, dày 15cm giúp cho việc đi lại làm đồng của người dân thuận tiện hơn trước rất nhiều. Dự kiến cuối năm 2012, xóm sẽ tiếp tục huy động sự đóng góp của các hộ dân đổ bê tông hoàn thiện đường trục chính cánh đồng Hậu Đoạn dài 481m với kinh phí khoảng 120 triệu đồng.

Đường ra đồng của xóm 6, xã Trực Khang (Trực Ninh) được bê tông hoá, hệ thống kênh mương được khơi thông.
Đường ra đồng của xóm 6, xã Trực Khang (Trực Ninh) được bê tông hoá, hệ thống kênh mương được khơi thông.

Xóm 4, xã Trực Thanh là một trong 130/146 xóm thuộc 7 xã của huyện Trực Ninh đã thực hiện xong DĐĐT. Huyện chọn 6 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là Trực Thanh, Trực Hùng, Việt Hùng, Trực Hưng, Trực Đại, Trung Đông (không tính xã Trực Nội làm điểm xây dựng NTM của tỉnh); xã Trực Khang dù không được chọn xây dựng NTM nhưng quyết tâm thực hiện như 6 xã xây dựng NTM. Theo kế hoạch, 7 xã phấn đấu hoàn thành DĐĐT trong năm 2011; 13 xã, thị trấn còn lại hoàn thành trong năm 2012. Triển khai công tác DĐĐT, các xã đều đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, nhân dân; các thôn, xóm đều tổ chức họp dân, bầu ban DĐĐT với thành phần có sự tham gia của cấp ủy, trưởng, phó thôn xóm, các tổ chức đoàn thể và đại diện các hộ dân là những người có uy tín và năng lực. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đều bám sát trình tự 7 bước thực hiện DĐĐT; công khai các quy hoạch: phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 cho người dân biết. Các xóm đã thực hiện tốt việc điều chuyển diện tích cho nhau để bảo đảm đủ diện tích giao ổn định cho các hộ dân và để có được quỹ đất dự trữ quy hoạch dãn cư. Đặc biệt, trong thực hiện DĐĐT ở huyện Trực Ninh, nguyên tắc dân chủ ở cơ sở được phát huy tối đa nhưng vẫn giữ vững mục tiêu và bảo đảm đúng pháp luật. Người dân với vai trò làm chủ đã tập trung bàn bạc, quyết định hiến đất; khi có quỹ đất thì tập trung đóng góp kinh phí để chỉnh trang đồng ruộng, cải tạo, mở rộng, kiên cố hóa đường nội đồng, mương máng. Sau một năm triển khai việc DĐĐT, đã có 4/7 xã gồm: Trực Hùng, Trực Đại, Trung Đông và Trực Khang hoàn thành đo, giao ruộng cho các hộ theo đúng kế hoạch trong năm 2011. Xã Trực Thanh hoàn thành ở 13/15 xóm; xã Trực Hưng hoàn thành 14/18 xóm, xã Việt Hùng hoàn thành 15/25 xóm. Từ bình quân 3,16 thửa/hộ trước DĐĐT của toàn huyện thì ở 130 xóm đã thực hiện xong DĐĐT, mỗi hộ gia đình chỉ còn 1,75 thửa. Số hộ dân sử dụng 1 thửa sau DĐĐT đã tăng lên 41% (gấp 3 lần so với trước khi thực hiện). Ở xã Trực Đại có trường hợp 8 hộ sử dụng 6 thửa do đất lúa liền thổ, đất phần trăm, đất màu… Hầu hết diện tích đất công ích đã được quy gọn lại thành vùng tập trung hoặc gọn thửa. Trong hơn 140ha đất công ích của huyện, đã có gần 72% diện tích được quy hoạch thành 34 vùng; 20,2% diện tích được dồn gọn thửa, chỉ còn chưa đến 8% diện tích là đất khó chia, khó giao do diện tích nhỏ, xen khu vực nghĩa địa… Việc vận động nhân dân hiến đất để thực hiện quy hoạch xây dựng NTM được 7 xã thực hiện khá hiệu quả. Các xã đều thống kê nhu cầu sử dụng đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, làm thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương theo quy hoạch xây dựng NTM, sau đó vận động và đã được nhân dân tự nguyện hiến đất. Xã Trực Đại có mức hiến cao nhất trong toàn huyện với tổng diện tích trên 21ha. Tại xã Việt Hùng, các hộ xã viên hiến từ 20-21m2/sào đất nông nghiệp và diện tích thổ cư với tổng diện tích gần 17ha. Nhân dân xã Trực Khang đã hiến gần 20ha. Tổng số đất người dân ở 7 xã hiến để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng là trên 102ha. Từ quỹ đất này, đến tháng 3-2012, 7 xã đã sử dụng gần 27ha để chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng theo quy hoạch xây dựng NTM. Trong đó, 20,8ha để làm đường giao thông nội đồng, 5ha đào đắp kênh mương, gần 1ha xây dựng nhà văn hóa xóm, nghĩa trang, bãi rác tập trung… với tổng kinh phí đầu tư gần 4 tỷ đồng. Phong trào chỉnh trang đồng ruộng diễn ra mạnh mẽ ở các xã Trực Thanh, Việt Hùng, Trực Đại đã góp phần làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn ở Trực Ninh.

Công tác DĐĐT ở huyện Trực Ninh cơ bản đáp ứng đúng yêu cầu đặt ra. Đó là đã khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, nhằm tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiêp. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chung của toàn huyện diễn ra còn chậm. Đến tháng 3-2012, xã Việt Hùng vẫn còn 10 xóm chưa xây dựng được phương án; xã Trực Hưng còn 4/18 xóm phải lập lại phương án DĐĐT. Ở 13 xã, thị trấn chưa triển khai xây dựng NTM, theo kế hoạch hoàn thành DĐĐT trong năm 2012, nhưng đến giữa tháng 3-2012 mới có 12 đơn vị lập xong biểu kiểm kê quỹ đất nông nghiệp ngoài đồng, đang thống kê đất theo quy hoạch và thống kê hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của từng hộ. Theo Ban chỉ đạo DĐĐT huyện, nguyên nhân là do một số xã chưa bám sát trình tự 7 bước trong việc xây dựng và thực hiện phương án DĐĐT, dẫn tới chậm tiến độ và phải làm đi, làm lại nhiều lần. Một số lãnh đạo địa phương chưa nhận thức được đầy đủ mục đích, ý nghĩa cách làm, bước đi của DĐĐT; quá trình triển khai còn cả nể, ngại khó, ngại va chạm, chưa lường hết khó khăn, phức tạp trong chỉ đạo, điều hành… Để tiếp tục thực hiện công tác DĐĐT tạo tiền đề cho xây dựng NTM thành công, Ban chỉ đạo DĐĐT huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; đội ngũ cán bộ cơ sở cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ 7 bước trong quá trình thực hiện DĐĐT. 4 xã xây dựng NTM đã hoàn thành giao ruộng cho nhân dân cần khẩn trương lập hồ sơ để cơ quan chức năng cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những xã được chọn xây dựng NTM thực hiện chưa xong DĐĐT phải tập trung hoàn thành trước khi thu hoạch vụ xuân 2012. 13 xã, thị trấn còn lại khẩn trương triển khai các bước, phấn đấu đến cuối tháng 11-2012 hoàn thành đo, giao ruộng, tiến tới giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ xong trong năm 2013. Huyện ủy, UBND huyện cũng tiếp tục phát động phong trào thi đua trong DĐĐT, các xã hoàn thành giao ruộng cho nông dân theo đúng phương án được duyệt trong tháng 11-2012 sẽ được thưởng các mức 10, 30 và 50 triệu đồng./.

Bài và ảnh: Đức Thiện
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com