Trong năm nay, thuế thu nhập cá nhân có thể được giãn cho một số đối tượng nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Thông tin từ cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Xem xét các phương án giãn thuế
Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu, đề xuất phương án giãn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trình Chính phủ xem xét và trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trình Chính phủ quyết định phương án cụ thể.
Để hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt khó khăn cho người lao động không thể thiếu các chính sách khoan sức dân. Việc miễn thuế, hay giãn thuế đối với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công... là một cách hỗ trợ thiết thực nhất cho người nộp thuế.
Trong tình cảnh "nước sôi lửa bỏng” khi sức mua có biểu hiện sụt giảm mạnh, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5%, tồn kho ngành chế biến, chế tạo đến 17% thì các phương án miễn, giãn, giảm thuế xem như là một liều thuốc hiệu quả.
Giảm thuế TNCN thì người dân giảm bớt được phần nào khó khăn. Ảnh: Internet |
Giảm lãi suất cũng chưa phát huy những tác dụng triệt để, do độ trễ của chính sách, vì vậy giãn thuế để kích thích tiêu dùng là tối ưu. Việc miễn, giãn, giảm thuế sẽ trực tiếp và gián tiếp làm tăng các hoạt động đầu tư, góp phần hồi phục thị trường, hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh. Thêm nữa, việc giãn thuế TNDN cũng là cách hỗ trợ vốn kịp thời trong thời gian chờ "hầu bao” ngân hàng mở.
Tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm 2012 đã chậm lại. DN phải đối mặt với khó khăn do lạm phát, chi phí đầu vào cao, lãi suất cao. Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Do vậy, lựa chọn hoãn, miễn, giãn thuế có mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp là việc chẳng đặng dừng. Còn nhớ hồi năm 2009 đối phó với lạm phát, khủng hoảng, Chính phủ cũng thực hiện việc giãn thuế TNCN, TNDN cho một số ngành hàng, dịch vụ.
Nên giảm chứ không nên giãn
Cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết, chủ trương miễn giảm thuế TNCN, cũng như TNDN là để trám vào lỗ hổng của chính sách lãi suất. Truớc đây Chính phủ cũng đã xem xét đến chính sách miễn giãn thuế nhưng năm 2012, đặc biệt trong nửa đầu năm, đã được cảnh báo là một trong những năm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam và thế giới thì chỉ hoãn hay giãn thuế thôi chưa đủ mà phải giảm hẳn. "Phải cắt đứt khó khăn cho doanh nghiệp chứ không đơn thuần hoán đổi khó khăn từ năm này sang năm khác”. Được giảm thuế, thuế không phải đóng thì DN dành tiền trả lương cho người lao động, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí, lấy phần thuế bù vào làm vốn, tái tạo đầu tư sản xuất. Đồng thời giảm thuế TNCN thì người dân giảm bớt được phần nào khó khăn, họ sẽ làm việc chăm chỉ hơn, tăng năng suất cho doanh nghiệp. Giảm thuế có nhiều tác dụng lớn lao hơn là giãn thuế. "Đừng biến chuyện giãn thuế phí thành hình thức, sai trọng tâm, sai mục đích. Đến 80% DN vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thật sự. Nếu dừng ở việc giãn thuế cho DN, bắt năm sau đóng bù sẽ khiến cho chính sách hỗ trợ của Chính phủ chỉ tác động trong phạm vi hẹp”.
Nhưng chính sách thuế không thể đơn thuần giảm, giãn là được. Bởi theo một số chuyên gia, giãn trước mà không tìm cách bù vào thì bội chi ngân sách. Trong năm 2012, Chính phủ đặt ra yêu cầu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; bội chi NSNN phấn đấu dưới 4,8% GDP. Chính vì vậy, điều hành linh hoạt chính sách thuế cũng như việc giảm, giãn và hoãn chính sách thuế cho các DN, cá nhân để hỗ trợ hoạt động sản xuất, khuyến khích xuất khẩu nhằm ngăn ngừa suy giảm kinh tế là điều cần chú trọng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, phải hoãn, giảm thuế để khoan sức dân, kích cầu tiêu dùng. Mục tiêu này quan trọng hơn nhiều. Trước mắt có thể sẽ khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng nhưng về lâu dài, chính sách giảm thuế sẽ kích thích sản xuất và phát triển, giúp bồi dưỡng nguồn thu./.
Theo: daidoanket.vn