Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngay từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đề án “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng”. Ngày 13-2-2012, NHNN đã có Chỉ thị 01/CT-NHNN về giao chỉ tiêu tăng trưởng cho 4 nhóm tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%/năm, nhóm 2 tăng 15%/năm, nhóm 3 tăng 8%/năm và nhóm 4 không được tăng trưởng. Sau 6 tháng thực hiện, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bảo đảm phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trong thời gian đợi quyết định phân loại từ NHNN, việc thực hiện chỉ thị này gây ảnh hưởng không ít tới hoạt động tín dụng trên địa bàn.
Giao dịch tại Ngân hàng CP Thương mại Đông Á chi nhánh tỉnh Nam Định. |
Theo thống kê của NHNN tỉnh, đến ngày 23-3-2012, tổng vốn huy động của ngành Ngân hàng đạt 13.940 tỷ đồng, chỉ tăng 3,57% so với thời điểm cuối năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng huy động vốn của quý I các năm trước. Trong số 14 ngân hàng, TCTD trên địa bàn, nhiều đơn vị bị âm vốn huy động so với thời điểm cuối năm 2011. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh huy động vốn đạt 2.204 tỷ đồng, giảm 15,78% so với cuối năm 2011; Ngân hàng Công thương tỉnh huy động vốn giảm 212 tỷ đồng, tương đương với 5,56% so với cuối năm 2011… Bên cạnh khó khăn về huy động vốn, dư nợ cho vay nền kinh tế cũng giảm 2,25%, chỉ đạt 18.660 tỷ đồng so với 19.090 tỷ đồng cuối năm 2011. Lãnh đạo một số ngân hàng trong tỉnh cho biết, lượng vốn vay đầu năm thường thấp vì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý I luôn chậm, nhưng không thấp như năm nay. Nguyên nhân là do một số lượng lớn khách hàng đã dừng gửi tiền vì có thông tin về việc sẽ phân loại ngân hàng để giải thể, sắp xếp lại cơ cấu một số ngân hàng theo quyết định của NHNN; thậm chí một số khách hàng còn đi rút tiền gửi để đợi có quyết định phân nhóm sẽ gửi vào nơi tin tưởng. Người đi vay cũng muốn đợi kết quả phân loại rõ ràng rồi mới vay.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do người dân, người có nhu cầu giao dịch tín dụng thiếu thông tin. Để xảy ra tình trạng trên trước hết là do các ngân hàng, nhất là NHNN tỉnh chưa chủ động cung cấp thông tin để làm rõ vấn đề này. Cùng với ban hành Chỉ thị 01 về phân nhóm ngân hàng, quy định tăng trưởng tín dụng là nhằm để loại bỏ những ngân hàng thực sự yếu kém. NHNN khẳng định luôn sẵn sàng ứng cứu kịp thời để đảm bảo thanh khoản, chi trả tức thời và bảo vệ quyền lợi hợp pháp người gửi tiền ở các ngân hàng này. Lịch trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được thực hiện từng bước từ đầu năm 2012 và kéo dài khoảng 5 năm tới. Sau 6 tháng, NHNN sẽ đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện, những đơn vị nào hoạt động tốt sẽ điều chỉnh từ nhóm này sang nhóm khác và thay đổi mức tăng tín dụng đối với từng ngân hàng để phù hợp với tình hình thực tiễn. Nếu có được những thông tin trên, chắc chắn người dân sẽ không ngần ngại tiếp tục đưa vốn vào ngân hàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đến cuối tháng 3, NHNN đã đưa ra quyết định gần như đầy đủ về xếp loại các ngân hàng thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Các ngân hàng thuộc nhóm 3, nhóm 4 cũng dần lộ diện. Qua các thông tin từ NHNN Việt Nam và lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh thì tại tỉnh ta không có ngân hàng nào trong nhóm 3 và nhóm 4. Đây là thông tin quan trọng để người dân yên tâm khi có nhu cầu giao dịch tín dụng, đồng thời sẽ là tín hiệu khả quan cho việc phát huy vai trò của ngành Ngân hàng tỉnh ta trong tiếp sức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển kinh tế - xã hội năm 2012./.
Bài và ảnh: Hoàng Long