Cần tăng cường đầu tư cho phát triển chăn nuôi ở Nam Trực

08:04, 06/04/2012

Trên địa bàn huyện Nam Trực hiện có 377 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Hầu hết các gia trại chỉ nuôi từ 10-20 con lợn hoặc vài trăm con gà, vịt; số gia trại có quy mô từ 50-100 con lợn nái, từ 100-300 con lợn thịt hoặc chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 1.000 con, áp dụng phương pháp chăn nuôi công nghiệp giảm sút trong một vài năm gần đây. Đối chiếu với tiêu chí trang trại theo Thông tư 27 ngày 13-4-2011 của Bộ NN và PTNT thì trên địa bàn huyện chưa có trang trại chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi đạt giá trị sản lượng hàng hoá từ 1 tỷ đồng/năm trở lên). Xã Nam Cường có 49 gia trại, chủ yếu chăn nuôi gia cầm, trong đó chỉ có 18 gia trại nuôi ở quy mô từ 200 con gà, vịt trở lên. Xã Nam Tiến có 18 gia trại nhưng mới có 4 gia trại của gia đình các ông Vũ Đình Dĩnh, Vũ Văn Tốt, Vũ Văn Vinh, Vũ Văn Hoán nuôi vịt ở quy mô trên 2.000 con. Tại xã Nam Hồng, đơn vị tiêu biểu trong phong trào phát triển đàn lợn của huyện nhưng số lượng con nuôi đang giảm, hiện tổng đàn còn khoảng 3.000 con, giảm khoảng 1.000 con so với đầu năm 2011.

Vì sao nông dân huyện Nam Trực không đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ gia trại ở xóm Hồng Cát, xã Nam Hồng cho rằng, trong điều kiện giá cả vật tư tăng cao, nếu tính riêng tiền mua con giống và xây dựng chuồng nuôi trong hộ gia đình thì một ô chuồng nuôi từ 7 đến 9 con lợn phải mất tới 17 triệu đồng, chưa kể thức ăn, các chế phẩm phòng trừ dịch bệnh. Vì vậy, để xây dựng được trang trại chăn nuôi trong thời điểm hiện nay phải đầu tư hàng tỷ đồng và nếu không xảy ra dịch bệnh cũng phải 5 năm sau mới hoàn vốn. Đồng chí Nguyễn Văn Khu, Chủ tịch HND xã Nam Hồng cho biết: Cả 250 hộ chăn nuôi của xã đều mong muốn được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất với mức lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, đến nay các hộ mới được vay vốn đều thuộc diện hộ nghèo, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngắn hạn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số vốn được vay ít. Vì vậy phát triển chăn nuôi ở địa phương thời gian qua phụ thuộc vào khả năng “có đến đâu thì đầu tư đến đó” của nông dân. Nhiều hộ chăn nuôi băn khoăn, tại sao đến nay họ vẫn chưa được hưởng những ưu đãi về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-6-2010. Theo đó các HTX, các chủ trang trại được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, tối đa đến 500 triệu đồng. Đồng chí Phạm Thị Lan, phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: “Do chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn chỉ tồn tại ở quy mô kinh tế hộ, nên còn nhỏ lẻ, manh mún. Trình độ quản lý và tay nghề của các hộ nông dân còn hạn chế do chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăn nuôi. Việc điều hành và tổ chức sản xuất, kinh doanh của người chăn nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường”. Việc phát triển chăn nuôi trong huyện còn thiếu sự liên kết của “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) dẫn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn yếu; tư tưởng “mạnh ai nấy làm” khá phổ biến nên chất lượng sản phẩm không cao, chưa có thương hiệu, người chăn nuôi thường xuyên bị tư thương ép giá. Các giải pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi như: xây dựng các hầm biogas, chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học... chưa được ứng dụng triệt để. Nhiều gia trại còn xả nước thải, chất thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh như: cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh trên đàn lợn...

Để giải quyết những khó khăn trên, đặc biệt là khó khăn về vốn, các ngân hàng thương mại cần điều chỉnh, bổ sung, cải tiến thủ tục cho người chăn nuôi vay vốn trung và dài hạn để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô trang trại. Các hộ chăn nuôi cần liên kết, thành lập các hiệp hội, câu lạc bộ, tổ hợp sản xuất nhằm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật nuôi và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi./.

Thúy Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com