Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới (tiếp theo và hết)

08:03, 24/03/2012

[links()]

(Tiếp theo và hết)

II - Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn

Hiện nay, các xã xây dựng NTM có 2 nhóm: Nhóm các xã, thị trấn đã có nghề truyền thống và nhóm các xã, thị trấn thuần nông. Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đối với các xã, thị trấn đã có nghề truyền thống chỉ cần có cơ chế chính sách động viên, tạo điều kiện là các doanh nghiệp phát huy được sức mạnh ổn định sản xuất góp phần tăng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN. Xã Xuân Kiên (Xuân Trường) có nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất ổn định tạo việc làm cho nhiều lao động như Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Cty TNHH Cơ khí Năng Lượng, Cty Chế tạo điện cơ AXUZU… đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng CN-TTCN, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt gần 11%/năm. Đến nay xã Xuân Kiên đã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Xã Xuân Ninh (Xuân Trường) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Cty TNHH Mai Hoàng kết hợp sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất nấm đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng… Huyện Xuân Trường có chính sách khuyến khích, thành lập doanh nghiệp mới làm nòng cốt để thúc đẩy sản xuất CN-TTCN ở các xã, thị trấn phát triển. Đến nay, Xuân Trường đã phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN với giá trị đạt 42,8%, thương mại dịch vụ chiếm 30,5%, nông nghiệp chỉ còn 26,7%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 10%. Huyện Xuân Trường có gần 300 doanh nghiệp, 4 CCN thu hút trên 5.000 lao động. Nhiều làng nghề truyền thống của huyện đã góp phần nâng cao mức sống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Xã Yên Ninh (Ý Yên) có nghề mộc truyền thống, trên địa bàn xã có trên 40 doanh nghiệp và nhiều hộ tham gia sản xuất. Hằng năm, doanh thu từ làng nghề đạt trên 150 tỷ đồng, sản xuất CN-TTCN - dịch vụ đạt gần 80%... Tại các xã, thị trấn chưa có làng nghề, vai trò của các doanh nghiệp càng được thể hiện trong quá trình phát triển sản xuất CN-TTCN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở hướng làm giàu cho nông dân. Xã Hiển Khánh (Vụ Bản) là địa phương thuần nông, khi triển khai xây dựng NTM, xã có chính sách thu hút doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn, khuyến khích thành lập các tổ hợp sản xuất, tiền thân của các doanh nghiệp sau này. Hiện nay, trên địa bàn xã có Cty CP Thành Vinh chuyên sản xuất vật liệu xây dựng tạo việc làm cho 200 lao động với thu nhập trên dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng; 12 tổ hợp may hàng bảo hộ lao động tạo việc làm cho 600 lao động; Cty Toàn Chung kinh doanh vật liệu xây dựng tạo việc làm cho 20 lao động. Xã có hàng chục nhóm thợ mộc, thợ nề nhận xây dựng các công trình dân dụng ở trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động. Năm 2011, giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt trên 35% trong cơ cấu kinh tế và tăng 20% so với trước khi có các doanh nghiệp đầu tư về xã. Tại xã Hải Giang (Hải Hậu) trên địa bàn có Cty TNHH Sông Giang, các doanh nghiệp sản xuất đồ mộc, 4 xưởng may và nhiều hộ sản xuất cơ khí, mộc đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất CN-TTCN của xã tới 18%. Xã Trực Nội (Trực Ninh) cũng là xã điểm của tỉnh trong xây dựng NTM. Ngoài việc phát huy sự đóng góp của nhân dân, của con em ở xa quê hương, xã Trực Nội đã chú trọng phát triển sản xuất CN-TTCN. Xã tạo điều kiện cho Cty TNHH Thành Trung xây dựng xưởng may công nghiệp tạo việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập ổn định trên dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tới đây, Cty sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 2, sau khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho trên 50 lao động. Trực Nội cũng tạo điều kiện cho các nghề thủ công như móc sợi, đan bẹ chuối phát triển tạo việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn.

Cty TNHH Mai Thanh (CCN Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho 50 lao động thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Cty TNHH Mai Thanh (CCN Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho 50 lao động thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Để tăng thu nhập, ngoài việc chú trọng phát triển CN-TTCN, dịch vụ các xã, thị trấn còn quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Các xã, thị trấn đã quy hoạch và thực hiện quy hoạch để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa đem lại giá trị cao; tích cực chuyển đổi những diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản; mở rộng diện tích cây vụ đông, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Trực Hùng (Trực Ninh) tạo điều kiện cho doanh nghiệp Cường Tân thuê 80ha để sản xuất giống lúa lai. Các hộ được Cty hướng dẫn cách sản xuất giống lúa lai, có thu nhập cao hơn 2-3 lần so với cấy lúa thường. Sau thu hoạch người dân được sử dụng ruộng để làm vụ đông, nhiều hộ trồng 1-3 sào bí xanh, khoai tây, cà chua. Hộ anh Đỗ Văn Mỡi ở đội 1, xã Trực Hùng trồng 3,5 mẫu dưa chuột bao tử và rau cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Xã Trực Đại cũng quy hoạch vùng sản xuất giống lúa lai, người dân cũng có thu nhập cao hơn 2 lần cấy lúa thường…

Vai trò của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn trong xây dựng NTM đã rõ. Cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, gắn bó với nông dân trong phát triển sản xuất. Để cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư về nông thôn rất cần có chính sách ưu đãi về cho thuê đất, công tác GPMB phải do địa phương thực hiện. Các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức khảo sát đánh giá đúng hiện trạng để xây dựng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất sản xuất công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng phục vụ sản xuất. Tập trung làm mới, sửa chữa cải tạo và nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về đầu tư. Các huyện, xã, thị trấn cần tăng cường công tác dạy nghề, đào tạo nghề để có đủ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Cần cung cấp thông tin để người dân hiểu và ủng hộ doanh nghiệp đầu tư về địa phương. Đối với doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, các xã, thị trấn cần làm tốt công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng; doanh nghiệp cùng người dân cần thực hiện đúng các điều đã cam kết để sản xuất bền vững, bảo đảm 2 bên cùng có lợi.

Bằng sự đồng sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và mọi người dân chắc chắn phong trào xây dựng NTM ở tỉnh ta sớm hoàn thành các tiêu chí đã đề ra./.

Bài và ảnh: Hữu Quyết
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com