Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

07:03, 21/03/2012

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó các doanh nghiệp đã có sự hưởng ứng tích cực, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo niềm tin trong nhân dân.

I - Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới

Sản xuất ở Cty CP Thời trang chuyên nghiệp Giao Thuỷ.
Sản xuất ở Cty CP Thời trang chuyên nghiệp Giao Thuỷ.

Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh ta đã triển khai đồng bộ ở các cấp từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, thị trấn. Trong giai đoạn 2010-2015 tỉnh ta có 96 xã, thị trấn thực hiện xây dựng NTM với mục tiêu đến năm 2015 tất cả các xã, thị trấn phải hoàn thành 19 tiêu chí NTM của Chính phủ. Để đạt được mục tiêu trên rất cần sự chung sức đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Ngày 24-6-2011, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” do Trung ương phát động. Tại lễ phát động, UBND tỉnh mong muốn bằng nhiều biện pháp huy động tối đa các nguồn lực đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và các nguồn lực khác để tạo cơ sở vững chắc cho xây dựng NTM. Hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, các doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực phù hợp với điều kiện khả năng của mình, trong đó tập trung ủng hộ dưới hình thức: Ủng hộ về vật chất, đầu tư trực tiếp về nông thôn, cam kết tuyển dụng lao động, giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Sau lễ phát động ở tỉnh, các huyện đều tổ chức phát động chương trình “Chung tay xây dựng NTM”. Tại lễ phát động của huyện Xuân Trường, ngoài các doanh nghiệp của tỉnh, của huyện tham gia còn có sự tham gia của những người con quê hương thành đạt. Đây là các nhà quản lý, các doanh nhân thành đạt muốn đóng góp một phần sức mình vào công cuộc xây dựng NTM tại quê nhà. Các Tổng Cty thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… đã triển khai các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng một số trường học, trạm y tế trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng phát huy tính năng rõ rệt phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội theo tiêu chí NTM. Cty CP May Sông Hồng xây dựng một số xưởng may tại Thị trấn Xuân Trường tạo việc làm cho gần 2.000 lao động với mức thu nhập từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Hội đồng hương Xuân Trường tại Thành phố Hà Nội đã động viên các doanh nhân đóng góp xây dựng quê hương hoặc đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các mối quan hệ để có nhiều dự án phát triển kinh tế cho quê hương. Trong lễ phát động, nhiều con em xa quê là chủ các doanh nghiệp đã ủng hộ hàng tỷ đồng để xây dựng quê hương. Ở huyện Hải Hậu, cả 35 xã, thị trấn đều triển khai chương trình xây dựng NTM. Các doanh nghiệp tại các xã, thị trấn đã ủng hộ tích cực về vật chất, góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng NTM. Tại xã Hải Phương, trong số trên 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì con em đang công tác tại các cơ quan và doanh nghiệp ủng hộ hơn 800 triệu đồng. Cty TNHH Hợp Long đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại xã Hải Phương, tạo việc làm cho 200 lao động, thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Cty CP May Sông Hồng đầu tư trên 300 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc quy mô 2.000 lao động; tháng 4-2012 sẽ đi vào sản xuất, bước đầu tạo việc làm cho 1.000 lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Đến nay, xã Hải Phương đã đạt 13/19 tiêu chí. Xã Hải Giang (Hải Hậu) là xã thuần nông bước vào xây dựng NTM gặp không ít khó khăn. Cty TNHH Sông Giang đã ủng hộ xã trên 15 vạn viên gạch trị giá trên 150 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa của 11 xóm và hàng nghìn m3 vật liệu để làm nền đường giao thông nông thôn. Đến nay, cả 11 xóm đã có nhà văn hóa, phát huy hiệu quả tích cực. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, nâng tỷ trọng sản xuất công nghiệp đạt 18% cơ cấu kinh tế của xã. Xã Trực Hưng cũng là xã thuần nông của huyện Trực Ninh trước khi triển khai xây dựng NTM chưa có doanh nghiệp nào về đầu tư. Hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, Cty CP May 1, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã đầu tư trên 8 tỷ đồng xây dựng xưởng may công nghiệp tại xã tạo việc làm cho 450-500 lao động. Cty tổ chức tuyển lao động, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu may hàng xuất khẩu. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Quốc Định, giám đốc Cty cho biết: “Khi đầu tư về nông thôn, doanh nghiệp khai thác được nguồn lao động tại địa phương, nhất là với doanh nghiệp cần nhiều lao động; địa phương có lợi vì lực lượng lao động có thêm việc làm, tạo ra phong cách lao động mới và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã ủng hộ phong trào xây dựng NTM bằng cách giữ ổn định sản xuất, mở rộng ngành nghề tạo việc làm cho người lao động. CCN Nghĩa Sơn đã lấp đầy với 7 doanh nghiệp tạo việc làm cho gần 2.000 lao động tạo ra giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn đã tuyển dụng lao động tại địa phương đào tạo họ có tay nghề, tác phong công nghiệp. Nhiều người sau một số năm làm tại các doanh nghiệp khi có tay nghề vững có điều kiện về kinh tế đã đứng ra tổ chức sản xuất tạo việc làm cho nhiều lao động. Tỉnh ta có trên 90 làng nghề, 3 KCN đang hoạt động, 20 CCN, các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Mặc dù các làng nghề đã giải quyết được một lượng lao động nhưng khi có các doanh nghiệp lớn đầu tư về địa phương, sản xuất của làng nghề ổn định hơn. Các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn sẽ đặt hàng cho các cơ sở, hộ gia đình gia công, tham gia dạy nghề ngắn hạn và nhận lao động vào làm việc. Các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn giúp các địa phương chưa có nghề, tiếp nhận nghề mới bền vững. Các doanh nghiệp đầu mối đảm nhận tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất.

Là tỉnh có số đông lao động nông thôn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư về nông thôn giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập. Cty TNHH Bao bì kim loại CFC chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng, Nghĩa Tân… (Nghĩa Hưng) hình thành vùng nguyên liệu cho Cty. Cty đã hỗ trợ cho người trồng mỗi sào trên 100 nghìn đồng, tổ chức tập huấn kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở xử lý sâu bệnh, cách thu hái có hiệu quả. Mỗi năm Cty nhận thu mua trên 3.000 tấn nguyên liệu cho bà con nông dân trong tỉnh. Khi tỉnh ta xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhiều doanh nghiệp đã có sự hỗ trợ bà con một cách thiết thực. Nông dân canh tác trên cánh đồng mẫu lớn nếu sử dụng phân bón Đầu Trâu của Cty Phân bón Bình Điền được Cty cung cấp phân bón bán theo giá gốc, được chậm trả và mỗi sào còn được hỗ trợ 3kg đạm hạt vàng. Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang cung ứng vật tư nông nghiệp, phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Trạm Bảo vệ thực vật các địa phương cử cán bộ về hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình canh tác, triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn có hiệu quả. Khi các doanh nghiệp liên kết cùng nông dân sản xuất sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, có điều kiện nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ tạo cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững.

Các doanh nghiệp còn tham gia xây dựng NTM bằng chính công việc của mình có sự kết hợp chặt chẽ với địa phương. Khi các Cty TNHH một thành viên KTCTTL các huyện nạo vét kênh mương đã phối hợp với các huyện, các xã thực hiện luôn việc đắp đường giao thông nông thôn. Trong chiến dịch làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2011-2012, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh đã đắp 1 tuyến đường có chiều rộng 5-7m, dài 1.100m với khối lượng 5.400m3 và đắp 25 tuyến đường có chiều rộng từ 3-5m với tổng chiều dài gần 25km, tổng khối lượng trên 148.500m3. Các tuyến đường trên sẽ giúp 2 huyện Nam Trực, Trực Ninh thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp tốt hơn./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com