Tìm giải pháp để KCN Mỹ Trung hoạt động hiệu quả

02:03, 01/03/2012

Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Trung của tỉnh được xây dựng từ năm 2006 với tổng diện tích 150,6ha. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thành lập, đến nay diện tích thuê của KCN Mỹ Trung mới đạt trên 23% đất thương phẩm. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do đơn vị chủ đầu tư xây dựng hạ tầng chậm trễ trong việc thi công nên nhiều nhà đầu tư còn lo ngại khi quyết định đầu tư vào KCN.

Trong các KCN tỉnh, KCN Mỹ Trung được xem là có vị trí “đắc địa”, do nằm trên tuyến Quốc lộ 10 trên địa bàn Thành phố Nam Định. Năm 2006, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt quyết định triển khai, Cty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh trúng thầu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Mỹ Trung. Cùng với dự án trên, Cty Hoàng Anh còn là chủ đầu tư 9 dự án lớn khác trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư được duyệt là trên 7,5 nghìn tỷ đồng. Trong những năm đầu, tiến độ thực hiện dự án KCN Mỹ Trung tương đối tốt. Tuy nhiên, từ giữa năm 2008, Cty Hoàng Anh lâm vào khủng hoảng, tổng nợ gốc lên tới gần 2.000 tỷ đồng, nợ lãi lên tới hàng trăm tỷ đồng dẫn đến đình trệ các dự án, trong đó dự án KCN Mỹ Trung, Cty hầu như không đầu tư, thi công tiếp. Tính đến nay, thời hạn xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Trung đã hết từ lâu nhưng trong tổng mức đầu tư là 358 tỷ đồng, Cty Hoàng Anh mới thực hiện đầu tư được trên 241 tỷ đồng, khối lượng phải đầu tư tiếp còn trên 116 tỷ đồng. Các hạng mục chưa thi công đều quan trọng và là những căn cứ để nhà đầu tư quyết định có đầu tư hay không?! Cụ thể là hệ thống đường giao thông (43 tỷ đồng), hệ thống cấp nước sạch (9 tỷ đồng), hệ thống thoát nước mưa (5,3 tỷ đồng), hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải (32,2 tỷ đồng), hệ thống điện chiếu sáng (7,2 tỷ đồng)… Do chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nên trong những năm qua dù có nhiều nhà đầu tư vào tỉnh ta tìm hiểu môi trường, điều kiện đầu tư nhưng rất ít nhà đầu tư lựa chọn, quyết định đầu tư vào KCN Mỹ Trung. Ban quản lý các KCN của tỉnh cho biết, đã có 11 nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư vào KCN Mỹ Trung, trong đó có 2 nhà đầu tư đã bị rút giấy phép đầu tư vì không đủ năng lực là dự án nhà máy mạ kẽm nhúng nóng và dự án sản xuất khí công nghiệp Vinaha. Như vậy, đến nay mới có 9 dự án với diện tích thuê đất thương phẩm chiếm 23% tổng diện tích đất thương phẩm của KCN.

Cty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh cần chuyển giao dự án cho đơn vị có đủ năng lực thi công tiếp hạ tầng KCN Mỹ Trung.
Cty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh cần chuyển giao dự án cho đơn vị có đủ năng lực thi công tiếp hạ tầng KCN Mỹ Trung.

Trước thực trạng Cty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh chậm đầu tư, thi công hạ tầng KCN Mỹ Trung những năm qua, Ban quản lý các KCN tỉnh đã liên tục đôn đốc, nhắc nhở Cty Hoàng Anh phải đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hạ tầng để đón các nhà đầu tư. UBND tỉnh đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để tìm giải pháp tháo gỡ. Mới đây nhất, Cty Hoàng Anh đã làm việc với Ngân hàng thế giới để tiếp cận nguồn vốn vay triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Mỹ Trung. Tuy nhiên, với thực lực hiện nay Cty Hoàng Anh khó có thể đẩy nhanh hơn tốc độ triển khai. Trên thực tế đã đến lúc phải tìm một phương án khả thi, toàn diện hơn. Định hướng của tỉnh đối với vấn đề này là Cty Hoàng Anh cần tìm một đối tác để chuyển nhượng dự án giúp Cty thu hồi vốn trả nợ và để dự án sớm được triển khai. Điều kiện đặt ra đối với việc chuyển nhượng dự án này là đối tác tiếp nhận dự án phải có đủ năng lực tài chính để nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục hạ tầng còn dang dở, sớm đưa KCN Mỹ Trung vào hoạt động. Cuối năm 2011, có liên danh 3 đơn vị gồm Cty CP chứng khoán dầu khí, Cty CP Dịch vụ cao cấp dầu khí và Quỹ đầu tư Capital của Nhật Bản đã tìm hiểu để tiếp cận dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng KCN Mỹ Trung. Ông Vũ Ngọc Thu, phó tổng giám đốc Cty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh cho biết: Qua tìm hiểu, điều tra cho thấy liên danh này có đủ tiềm lực tài chính và quyết tâm đầu tư để triển khai, hoàn thiện hạ tầng KCN Mỹ Trung. Bên cạnh việc đầu tư cho dự án, liên danh này có khả năng thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao. Đặc biệt là Quỹ đầu tư Capital hiện nay đang bảo trợ cho nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, trong đó có không ít doanh nghiệp đang đi tìm địa điểm đầu tư.

Đây có thể là hướng đi khả quan cho việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng KCN Mỹ Trung. Giữa tháng 2-2012, Tập đoàn Vinashin đã yêu cầu Cty Hoàng Anh thu thập hồ sơ, tài liệu báo cáo để Tập đoàn quyết định phương án cụ thể cho việc chuyển nhượng dự án xây dựng và khai thác hạ tầng KCN Mỹ Trung cho liên danh. Tuy nhiên, để giải pháp này sớm thành hiện thực, tỉnh và các ngành chức năng, trực tiếp là Ban quản lý các KCN của tỉnh cần có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đối với liên danh và Cty Hoàng Anh trong việc hoàn thành thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư dự án./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com