Trong thời điểm sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn hiện nay, việc tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm đang được các doanh nghiệp hết sức coi trọng trong quá trình sản xuất. Trong đó tiết kiệm điện, nguyên nhiên liệu và sử dụng nhân công hợp lý là yêu cầu sống còn của mỗi doanh nghiệp.
Gia công sản phẩm ở doanh nghiệp tư nhân Đỗ Gia. |
Doanh nghiệp tư nhân Đỗ Gia (TP Nam Định) chuyên đúc các chi tiết phục vụ khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng như hàm nghiền, búa nghiền, dao cắt, ruột gà… Doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt lò đúc điện, sử dụng công nghệ đúc hút chân không tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Để giảm chi phí đầu tư, doanh nghiệp đã chọn loại lò có công suất 750kg thay cho loại lò trên 1.000kg vì không phải đầu tư trạm biến áp có công suất lớn, thay mới dây dẫn điện. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ đúc hút chân không dùng khuôn mẫu bằng xốp cho 80% số lượng sản phẩm đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tốn ít công xử lý sản phẩm sau đúc. Doanh nghiệp bố trí đúng người, đúng việc trong các khâu sản xuất nên đã giảm tỷ lệ sản phẩm hỏng xuống dưới 2%. Cũng trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, Cty TNHH Ngọc Thịnh (CCN An Xá) đã áp dụng đầu tư đồng bộ, sản xuất theo quy trình công nghiệp nên mỗi đầu sản phẩm tiết kiệm được khoảng 15% chi phí. Trước đây, Cty sản xuất tại gia đình, toàn bộ nhà xưởng, kho chứa chỉ có gần 900m2, lại cùng lúc sản xuất nhiều mặt hàng nên mất nhiều chi phí vận chuyển nội bộ. Năm 2010, Cty đầu tư vào CCN An Xá, xây dựng xưởng sản xuất rộng hơn 2.000m2, sân bãi rộng hơn 1.000m2. Trước đây khi chuyển 1 chuyến hàng có trọng tải 4 tấn phải mất 6-7 lao động làm việc 3-4 giờ, nay chỉ cần 3-4 lao động làm trong 1 giờ... Anh Trần Ngọc Hưng, phụ trách sản xuất của Cty cho biết: Do tiết kiệm chi phí đầu vào nên mặc dù năm 2011 giá nguyên nhiên liệu luôn tăng nhưng 30 nghìn pít tông và 40 nghìn bầu xả, bầu hút của Cty khi bán chỉ tăng giá chút ít... Cty CP May Nam Hà thực hiện tiêu chí: "Chất lượng là hàng đầu" đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đồng bộ, chuyên môn hóa cao trong sản xuất; chuyên sâu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; lực lượng lao động có tác phong công nghiệp, đồng thời áp dụng hệ thống quản lý ISO 9001:2008, tiêu chí chuyên nghiệp bằng việc thuê chuyên gia Nhật Bản. Vì vậy sản phẩm hỏng của Cty luôn dưới 2%. Do bố trí lao động hợp lý, thực hiện cải tiến kỹ thuật mỗi năm Cty tiết kiệm được 5 tỷ đồng, hơn 100 nghìn KWh điện và trên 100 triệu đồng tiền kim máy. Cty CP Tập đoàn TVT (Vụ Bản) tiết kiệm khoảng 15% chi phí nhờ không dùng điện để sấy khô sản phẩm mà xây dựng lò hơi, dùng gỗ bỏ đi để cung cấp nhiệt. Cty TNHH Hoa Thắng (TP Nam Định) chuyên sản xuất các mặt hàng túi ni-lon do giá nguyên liệu luôn biến động, Cty đã tính toán hợp lý số lượng nguyên liệu dự trữ, chọn mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, sức mua của thị trường lớn để sản xuất. Ở Cty TNHH Trường Phát (Xuân Trường) phần lớn các sản phẩm đều sử dụng đến sơn. Để tiết kiệm nguyên liệu, Cty đã đầu tư máy móc, thiết bị làm sạch bề mặt và xây dựng tủ sơn để nâng cao chất lượng và giảm lượng sơn. Nhờ đó mỗi năm Cty tiết kiệm được khoảng 5% chi phí.
Những tiết kiệm từ chi phí sản xuất giúp doanh nghiệp có điều kiện tái đầu tư, trích thưởng cho cán bộ, công nhân và ổn định sản xuất. Để phong trào tiết kiệm chi phí sản xuất đi vào chiều sâu, bền vững, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; điều chỉnh các định mức kinh tế, kỹ thuật về tiêu hao nguyên nhiên liệu sát với thực tế sản xuất./.
Bài và ảnh: Hữu Quyết