Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Giao Thuỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác toàn diện, hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện; góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đồng thời là động lực để Giao Thuỷ thực hiện thành công chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Vững vàng thương hiệu “Ngao Giao Thuỷ”
Từ năm 1990, nghề nuôi ngao ở huyện Giao Thuỷ đã phát triển tại Cồn Lu, Cồn Ngạn và ở các vùng ven biển, mang lại thu nhập cho người dân nơi đây, đồng thời có tác động tích cực trong việc duy trì và phát triển các vùng sinh thái tự nhiên. Đồng chí Phùng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để phát triển vùng nuôi ngao, huyện Giao Thuỷ đã tập trung chỉ đạo, quy hoạch vùng nuôi; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 lập sổ tay “Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao giống”; xây dựng quy trình nuôi phù hợp và tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi. Trung tâm cũng xây dựng mô hình trình diễn nhân giống ngao, cải thiện phương pháp nuôi an toàn để đạt hiệu quả kinh tế cao và thân thiện hơn với môi trường. Trong khuôn khổ dự án, tổ hợp tác nuôi ngao bền vững được thành lập; phối hợp với trung tâm xây dựng quy ước “Cộng đồng thực hiện khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững” với các quy định cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị kinh tế này. Thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh cho bãi nuôi thả, tăng cường nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Năm 2005, UBND huyện đã ủy quyền và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp Cửu Dung xây dựng thương hiệu “Ngao Giao Thuỷ” với những cam kết chung về quy trình nuôi và đảm bảo thực hiện những tiêu chuẩn để xuất khẩu, tạo nên sự đồng nhất về chất lượng. Năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hóa cho thương hiệu “Ngao Giao Thuỷ”. Hiện nay, diện tích nuôi ngao của huyện là 1.500ha, trong đó, có hơn 1.000ha nuôi ngao thương phẩm; sản lượng bình quân từ 14-15 nghìn tấn/năm; doanh thu gần 280 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động. Với diện tích nuôi lớn và đang trong quá trình phát triển khá thuận lợi cả về thị trường tiêu thụ và giá bán, ngao của Giao Thuỷ có nhiều lợi thế để phát triển thành một mặt hàng có giá trị và nhiều tiềm năng xâm nhập sâu hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Vùng nuôi ngao Giao Thuỷ được công nhận là vùng nuôi an toàn thực phẩm cấp độ B, đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu. Tháng 6-2010, sản phẩm “Ngao Giao Thuỷ” được tặng Huy chương Vàng cùng danh hiệu “Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng”. Đây được coi là cơ hội để ngao Giao Thuỷ tiếp tục phát triển thương hiệu “Ngao Giao Thuỷ” xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Trong thời gian tới, huyện quy hoạch các vùng nuôi ngao và các nhuyễn thể khác, tổ chức nuôi theo hệ thống và xây dựng thêm cơ sở sản xuất giống để cung cấp cho vùng nuôi, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng các vùng nuôi; từng bước áp dụng KHKT, cải tạo mặt bãi, nâng dần diện tích nuôi bán thâm canh, thâm canh; mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu “Ngao Giao Thuỷ” thông qua các chính sách xúc tiến thương mại góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy phát triển sản xuất. Theo đó, đến năm 2015, huyện Giao Thuỷ thực hiện quy hoạch phân vùng và quản lý nuôi ngao bền vững với 455ha vùng đệm và phối hợp với Vườn Quốc gia Xuân Thủy tiếp tục sử dụng 1.043ha vùng phục hồi sinh thái nuôi ngao. Khai thác bền vững sản phẩm thương phẩm và nguồn giống tự nhiên trên vùng bãi triều; chuyển 30ha đang nuôi kết hợp thủy sản nước lợ sang làm mô hình ương nuôi ngao giống.
Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững
Huyện Giao Thuỷ có tiềm năng kinh tế biển dồi dào với 32km bờ biển, có 81.000ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua Đảng bộ huyện Giao Thuỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác toàn diện, hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế biển; trong đó quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở như: Thủy lợi, đường giao thông, điện, nước sạch, khu dân cư, vùng nuôi trồng, vùng sản xuất con giống, vùng trồng cây công nghiệp… phù hợp với đặc điểm từng khu vực và cả vùng. Mạng lưới chế biến thủy, hải sản, dịch vụ, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, cung ứng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, ngư cụ, nhiên liệu phát triển nhanh, phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất. Lĩnh vực sản xuất giống đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu các loại giống thủy sản phục vụ yêu cầu nuôi trồng. Với những giải pháp đồng bộ và tích cực nói trên, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành thủy sản những năm gần đây của huyện là 18,64%/năm, trong đó khai thác có tốc độ tăng trưởng bình quân 16,4%/năm, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng bình quân 18,3%/năm. Trong 5 năm qua, sản lượng bình quân đạt 21.700 tấn, trong đó khai thác đạt 8.240 tấn, nuôi trồng đạt 13.540 tấn. Cơ cấu ngành được chuyển dịch, đến năm 2010, khai thác chiếm 31,8%, nuôi trồng chiếm 61,5%, dịch vụ ngành thủy sản chiếm 6,7%; giá trị sản xuất đạt 608 tỷ đồng. Năm 2011, tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản năm đạt 29.850 tấn; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 4.975ha (khai thác đạt 10.820 tấn; nuôi trồng đạt hơn 19.000 tấn).
Trong phát triển kinh tế thủy hải sản, thời gian qua, nuôi trồng thủy sản mặn lợ của huyện phát triển mạnh với diện tích là 3.775ha, tập trung vào các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp. Các vùng nuôi công nghiệp đạt năng suất 4-5 tấn tôm sú/ha/năm, nuôi bán công nghiệp đạt 2-2,5 tấn/ha. Gần đây, một số hộ nuôi đang chuyển dần sang nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao, năng suất bình quân đạt 6-8 tấn/ha/năm, cá biệt có hộ nuôi 3 vụ đạt 12 tấn/ha/năm. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt cũng phát triển nhanh, toàn huyện có gần 1.200ha, trong đó có 850ha mặt nước hồ, ao trong dân cư; 345ha chuyển đổi trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản đã hình thành các trang trại, gia trại phát triển kinh tế tổng hợp VAC tập trung. Năng suất nuôi các trang trại, ao hồ rộng đã đạt 3 đến 5 tấn/ha. Trong ao dân cư, nhiều hộ đã nuôi thả các loại cá cho năng suất cao như trắm cỏ, trôi Mrigan, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng Trung Quốc, cá chép lai 3 máu. Một số hộ doanh thu đạt 75 đến 100 triệu đồng/ha. Để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, khâu sản xuất giống được huyện quan tâm chỉ đạo. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 trại giống thủy sản mặn lợ, 1 trại giống thủy sản nước ngọt và Trung tâm Giống thủy sản của tỉnh sản xuất giống tôm sú, ngao, hàu, tu hài, cua biển, cá bống bớp, cá chim biển vây vàng và các giống cá nước ngọt truyền thống, đã giúp huyện chủ động sản xuất được giống. Hệ thống cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản được hình thành đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi. Bên cạnh đó, việc khai thác hải sản được củng cố về tổ chức, chất lượng phương tiện, năng lực sản xuất, sản lượng đánh bắt được nâng cao. Toàn huyện có hơn 1.000 tàu cá với tổng công suất các phương tiện là 27.800CV (tăng 10.300CV so với năm 2006), trong đó có 216 tàu công suất 40CV trở lên. Trong 5 năm qua, tổng sản lượng khai thác đạt 8.240 tấn/năm. Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt, nghề chế biến hải sản được duy trì và phát triển trong các hộ dân, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô, tập trung ở các xã Giao Châu, Giao Yến…
Đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thuỷ cho biết: Để đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, UBND huyện đã xây dựng đề án về chương trình phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2011-2015. Theo đó, mục tiêu phát triển thủy sản đến năm 2015 là: Quy hoạch diện tích nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản, trọng tâm là nuôi trồng thủy sản, đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản hằng năm bình quân là 10,4%. Giá trị sản xuất đến năm 2015 đạt 1.300 đến 1.400 tỷ đồng; sản lượng đến năm 2015 đạt 39.000 tấn trở lên; diện tích nuôi trồng thủy sản đến 2015 là 5.190ha. Trước mắt, đến hết năm 2012, huyện sẽ hoàn thành cơ bản dự án thủy lợi Cồn Ngạn, dự án chuyển đổi Giao Thịnh, Giao Hải; tiếp tục khảo sát, trình UBND tỉnh cho phép lập dự án xây dựng hệ thống thủy lợi vùng tây Giao Thuỷ phù hợp với sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản; dự án nuôi chuyên tôm bền vững khu kinh tế mới Tân Hồng. Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện Giao Thuỷ tập trung triển khai đồng bộ giải pháp, trong đó, ưu tiên cho tập trung vốn, nhân lực, tiếp thu công nghệ để mở rộng và sử dụng có hiệu quả diện tích nuôi trồng các vùng nuôi nước ngọt, mặn lợ. Giữ vững diện tích nuôi trồng hiện có, tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Phát triển nuôi theo chiều sâu bằng cách áp dụng các biện pháp chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các vùng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, cải tạo hệ thống thủy lợi để nâng dần năng suất các vùng nuôi sinh thái ổn định, bền vững. Giải quyết đồng bộ về sản xuất, nhập giống, thức ăn công nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra giống sạch bệnh, thức ăn chất lượng cao, phòng trừ dịch bệnh. Mở rộng nuôi các loại thủy đặc sản như: Cua biển, cá bống bớp, ngao, rong câu, cá rô phi đơn tính và các giống thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi chuyên tôm theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp các vùng nuôi phù hợp. Cụ thể là, quy hoạch vùng nuôi chuyên tôm tại vùng nuôi Giao Phong - Bạch Long, vùng kinh tế mới Tân Hồng - Giao Thiện, vùng Nông trường Bạch Long, vùng chuyển đổi sản xuất muối Bạch Long, Quất Lâm. Áp dụng các biện pháp chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các vùng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nâng dần năng suất các vùng nuôi sinh thái ổn định, bền vững. Đẩy mạnh và nâng cao sản lượng đánh bắt, tập trung đầu tư chuyển mạnh sang khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Khuyến khích đầu tư thúc đẩy các dự án, các phương tiện tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ nhằm phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất giống thủy đặc sản đáp ứng cơ bản nhu cầu giống nuôi trên địa bàn. Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế với củng cố hệ thống chính trị các xã ven biển, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Tạo cơ hội cho kinh tế biển phát triển với tốc độ nhanh, bền vững, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Việt Thắng