Triển khai sản xuất vụ lúa xuân năm 2012 trong điều kiện có nhiều khó khăn về thời tiết, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao; tình trạng hạn mặn lấn sâu vào cả 3 cửa sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy tới trên dưới 30km. Tuy nhiên, ngay trong đợt đầu khi các hồ thủy điện xả nước chống hạn thì 77.800ha gieo cấy vụ xuân của toàn tỉnh cơ bản đủ nước, nhiều vùng chua mặn đã được thau rửa 3-4 lần. Đợt xả nước chống hạn lần thứ 2, nước được tích đầy các kênh, mương, ao, hồ sau khi đồng ruộng đã đủ nước cho làm đất, cấy. Giống lúa, nhất là giống lúa lai đầu vụ khó khăn nhưng đến khi gieo cấy cũng đủ nhu cầu theo cơ cấu. Bước vào sản xuất vụ xuân 2012, đã có 96 xã, thị trấn của tỉnh hoàn thành dồn điền đổi thửa, nhân dân đã góp, hiến hàng trăm ha đất và đã đắp được 1.170 tuyến đường nội đồng với tổng chiều dài gần 862km. Nhiều tuyến đã được bê tông hóa mặt đường rộng 4-5m vừa thuận tiện cơ giới hóa nông nghiệp, vừa tạo ra các vùng chuyên canh lớn, thuận lợi cho xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa. Với chủ trương sản xuất nông nghiệp vừa bảo đảm năng suất nhưng vẫn chú trọng hiệu quả nên với các vùng chua mặn giống lúa lai năng suất cao, chất lượng khá được đưa vào cơ cấu như D.ưu527, D.ưu725, TX111… Nhiều huyện đạt tỷ lệ lúa lai cao như Trực Ninh chiếm 60% diện tích, Giao Thuỷ chiếm 55% diện tích, Hải Hậu chiếm 42% diện tích… Nhiều xã ven biển như Giao Hải (Giao Thuỷ), Hải Hòa (Hải Hậu), Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng)… tỷ lệ lúa lai đạt 60-80% diện tích. Các địa phương có trình độ thâm canh cao, đồng đất không chua, trũng đã mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa thuần năng suất khá, chất lượng gạo ngon như BT7, ND1, ND5… Đặc biệt giống lúa BT7 có chất lượng gạo ngon nhất trong nhóm lúa tẻ cấy trong vụ xuân giá cao gấp 1,7-2 lần thóc tẻ thường và thị trường tiêu thụ rộng… được ngành NN và PTNT hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến, bón phân cân đối, hạn chế sâu bệnh, chống đổ ngã… đã được các địa phương mở rộng diện tích. Trong vụ xuân này giống BT7 chiếm khoảng 40% diện tích gieo cấy của toàn tỉnh; trong đó Thành phố Nam Định chiếm 50% diện tích, Vụ Bản chiếm 45% diện tích, Nam Trực chiếm 45% diện tích… Các địa phương có tỷ lệ gieo cấy giống lúa BT7 đạt trên dưới 90% diện tích là các xã Giao Tiến (Giao Thuỷ), Hải Toàn (Hải Hậu), Nam Mỹ, Tân Thịnh (Nam Trực)…
Nông dân xã Hiển Khánh (Vụ Bản) xuống đồng cấy lúa xuân 2012. |
Nét mới trong gieo cấy lúa xuân năm nay là các địa phương đã đồng loạt mở rộng diện tích gieo sạ hàng và là vụ có diện tích gieo sạ hàng lớn nhất với gần 7.000ha. Các huyện có diện tích gieo sạ hàng nhiều là Nam Trực trên 2.000ha, gấp đôi tổng diện tích gieo sạ hàng của toàn tỉnh các vụ trước và chiếm gần 30% tổng diện tích lúa vụ xuân 2012; huyện Hải Hậu gieo sạ trên 1.600ha, chiếm 15% tổng diện tích; huyện Ý Yên gieo sạ 1.700ha, chiếm 14% diện tích gieo cấy. Các xã Nam Mỹ, Tân Thịnh (Nam Trực), Vĩnh Hào (Vụ Bản), Xuân Kiên (Xuân Trường), Yên Trung (Ý Yên)… tỷ lệ gieo sạ chiếm trên dưới 90% diện tích gieo cấy. Để khuyến khích các xã, HTX mở rộng diện tích gieo sạ hàng, huyện Nam Trực có chính sách hỗ trợ các hộ cá nhân hay tập thể mua ống sạ hàng 50% kinh phí. Toàn huyện đã mua thêm 250 ống sạ hàng rộng, hàng hẹp ngay trong vụ xuân để tổ chức gieo sạ. Huyện Trực Ninh khuyến khích các xã, HTX có diện tích gieo sạ 5ha được hỗ trợ 1 ống gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp… Đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cho biết: “Gieo sạ tiết kiệm được giống, giảm 60% công lao động nặng nhọc nhưng năng suất tăng 10-15%, hiệu quả tăng 15-20% so với cấy truyền thống. Trong đó gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp năng suất cao hơn gieo sạ hàng 5-6%...”. Vụ xuân này, các xã Xuân Kiên (Xuân Trường), Giao Tiến (Giao Thủy), Hải Thanh (Hải Hậu), Nam Thành, Nam Mỹ, Tân Thịnh (Nam Trực)… mở rộng diện tích gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho nông dân. Vụ xuân 2012, lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại 12 HTXNN với tổng diện tích 565ha ở 7 huyện và 4 mô hình với tổng diện tích trên 100ha cấy giống lúa mới chất lượng cao. Cả 12 mô hình cánh đồng mẫu lớn đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, đưa cơ giới vào, kể cả khâu gặt, có sự tham gia chặt chẽ “4 nhà”, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap, thực hiện triệt để nguyên tắc đồng trà, đồng giống, đồng phương thức canh tác, có giám sát của các nhà kỹ thuật, nhà doanh nghiệp. Mô hình đang tạo ra phương thức sản xuất mới, quan hệ sản xuất mới "mình vì mọi người" trên tinh thần tự nguyện tự giác của nông dân. 4 mô hình cấy giống lúa mới chất lượng cao với diện tích trên 100ha là các giống lúa thuần J02, QR2 và DS1 tại các xã Yên Bình, Yên Hưng, Yên Khang (Ý Yên) và Hải Tân (Hải Hậu) sản phẩm có thể xuất khẩu. Riêng với giống DS1, Cty An Bình (Hà Nội) ký với nông dân mua toàn bộ số thóc DS1 được sản xuất với giá 6.800 đồng/kg thóc tươi tại đầu bờ, tương đương với 10 nghìn đồng/kg thóc khô, cao hơn cả giá thóc BT7. Với cây màu xuân cũng có nét mới. Ngoài mở rộng diện tích cây màu, nhất là cây lạc, huyện Ý Yên đã đưa giống lạc mới TB25 năng suất chất lượng cao vào trồng và các vùng đất lạc của tỉnh mở rộng diện tích trồng lạc che phủ ni lon. Công tác chỉ đạo sản xuất của ngành NN và PTNT cũng có nhiều đổi mới. Cán bộ kỹ thuật, cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến huyện đều bám sát, phân công xuống tận cơ sở, tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất. Qua kiểm tra phát hiện những khiếm khuyết như làm đất chậm, gieo mạ, che mạ không đúng kỹ thuật… và đều được khắc phục kịp thời.
Chủ động khắc phục khó khăn với nhiều phương án, giải pháp, bước đầu sản xuất vụ xuân năm 2012 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện tại vẫn chưa hết rét đậm, việc bảo vệ mạ, lúa mới cấy, lúa gieo sạ cần được tăng cường, nhất là mạ có hiện tượng chết chòm. Các địa phương tập trung cấy khi nhiệt độ cho phép. Riêng đối với các diện tích gieo sạ, nhiều địa phương diệt chuột không triệt để nên ảnh hưởng đến mật độ lúa và mất thêm công cấy dặm. Mặt khác ốc bươu vàng cũng là một đối tượng cần phải diệt trừ không để ốc gây hại lúa sạ, lúa mới cấy./.
Bài và ảnh: Tất Thắc