Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từng bước hình thành nét văn hoá trong sản xuất và sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt, dần xoá bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận người dân. Đến nay, có tới trên 80% người tiêu dùng đã ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam. Đó là đánh giá của ông Vũ Trọng Kim, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Trung ương cuộc vận động tại hội nghị giao ban công tác triển khai cuộc vận động năm 2012.
59% người tiêu dùng hài lòng với hàng Việt
Theo báo cáo của BCĐ cuộc vận động (CVĐ): Năm 2011 đã có 33/63 Sở Công thương các tỉnh, thành phố tổ chức 156 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 1.627 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 655.179 lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 57 tỷ đồng; 35 Sở Công thương đã tổ chức được 32 đợt khuyến mại thu hút 3.649 lượt doanh nghiệp tham gia với tổng giá trị khuyến mại là hơn 100 tỷ đồng; 43/63 sở tổ chức được 128 hội chợ triển lãm, thu hút 11.026 doanh nghiệp tham gia, với doanh thu bán hàng khoảng 1.495 tỷ đồng…
Để bảo vệ sản xuất hàng hoá trong nước, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 156.182 vụ, xử lý 68.235 vụ vi phạm (trong đó có tới 10.025 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 11.372 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm VSATTP; 39.250 vụ kinh doanh trái phép và vi phạm khác; 7.588 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá).
Giới thiệu hàng Việt Nam tại Hội chợ thương mại năm 2011. Ảnh: T.A |
Đặc biệt, năm 2011 CVĐ phát triển rộng hơn với sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao đã kết hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với 200 doanh nhân và 17 hội doanh nghiệp nước ngoài tham dự, qua đó phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng Việt.
Cùng với đó, Bộ Công thương cũng thường xuyên có các cuộc điều tra khảo sát về mức độ hài lòng của người Việt khi dùng hàng Việt để thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Theo số liệu nghiên cứu mới đây về xu hướng tiêu dùng của Cty Nielsen, có đến 90% người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; tỷ lệ này tại Hà Nội là 83%. Trong đó, 59% người tiêu dùng mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt; 38% người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 36% chủ động khuyên người thân, bạn bè ưu tiên dùng hàng trong nước.
Đồng chí Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam đánh giá: CVĐ đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi và đóng góp không nhỏ vào việc nâng tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước năm 2011 (ước đạt 2.004.400 tỷ đồng (tương đương 95 tỷ USD), tăng 24,2% so với năm 2010. Đây là kết quả rất đáng khích lệ của nền kinh tế trong điều kiện có nhiều bất ổn về tình hình kinh tế thế giới và trong nước.
Cần tháo gỡ thế độc quyền của doanh nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 2 năm thực hiện, CVĐ vẫn còn những hạn chế như đến nay một số cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện CVĐ. Đến tháng 1-2012 còn 34/63 Tỉnh uỷ, Thành uỷ và 18/25 bộ, cơ quan ngang bộ chưa xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện CVĐ theo tinh thần của Bộ Chính trị. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức sơ kết thực hiện CVĐ của Ban Chỉ đạo ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng, bị động, thiếu nghiêm túc…
Thứ trưởng Bộ TT và TT Trần Đức Lai nhìn nhận: CVĐ ở cấp cơ sở hiện vẫn chưa quyết liệt, nhiều địa phương còn làm hình thức nên đã cản trở CVĐ đi vào thực tiễn. Việc tuyên truyền về CVĐ của một số cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương chưa thường xuyên, chỉ rộ lên ở những đợt cao điểm, chưa đi sâu phát hiện nhân rộng các điển hình thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa: Hàng Việt được người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đón nhận tích cực, nhưng vẫn bị gián đoạn do cơ sở hạ tầng địa phương còn nhiều hạn chế. Cuộc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, vi phạm VSATTP chưa được tốt nên đã gây băn khoăn lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào CVĐ này, theo đồng chí Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Chúng ta cần tăng cường chống buôn lậu, để bảo đảm các sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh lành mạnh trên thị trường trong nước. “Việc chống buôn lậu không chỉ giúp mặt hàng trong nước được bảo đảm trong cạnh tranh lành mạnh mà Nhà nước còn có thêm nguồn thu" - đồng chí Nam nói. Do vậy, Nhà nước cần phải tháo gỡ thế độc quyền của một số doanh nghiệp, vì đây là cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cùng loại.
Ở góc độ người tiêu dùng, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: CVĐ có thành công hay không thì quyết định vẫn thuộc về người tiêu dùng vì “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”. Bởi vậy trong tuyên truyền đến người tiêu dùng cần cụ thể, thiết thực và bảo đảm an toàn, khi đó dân ta mới tin dùng hàng Việt./.
Theo Báo Bảo hiểm xã hội