Hải Hậu nâng cao hiệu quả vùng nuôi thủy sản

08:03, 24/03/2012

Vụ nuôi thuỷ sản xuân hè năm nay, huyện Hải Hậu có nhiều chương trình, dự án đầu tư mới. Tại vùng nuôi nước ngọt, ngoài 50ha của xã Hải Châu, huyện tập trung mở rộng diện tích ra các xã: Hải Đông, Hải Xuân, Hải Hòa, Hải Đường..., nâng tổng diện tích nuôi thuỷ sản nước ngọt toàn huyện lên 1.800ha. Riêng xã Hải Đường, ngay những tháng đầu năm 2012, nhiều hộ dân trong xã đã tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi thủy sản bền vững do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN và PTNT) hỗ trợ. Đây là dự án trong chương trình phát triển kinh tế hộ gia đình theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ tháng 7-2011 với 12 hộ dân tham gia trên tổng diện tích 8.800m2 mặt nước nuôi thả. Để dự án đem lại hiệu quả cao, Trung tâm quốc gia giống thủy sản miền Bắc (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) đã cung cấp đủ lượng con giống gồm: 3.000 con cá trắm đen giống, 2.000 con cá chép lai 3 máu giống; đồng thời phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức 2 lớp tập huấn cho gần 100 người là chủ hộ nuôi và cán bộ phụ trách kỹ thuật, làm nhiệm vụ giám sát tại vùng triển khai dự án. Các hộ dân tham gia dự án phải thực hiện nghiêm quy trình nuôi bền vững gồm: Bảo đảm diện tích ao nuôi rộng tối thiểu 500m2; trước khi nuôi thả phải cải tạo môi trường, vệ sinh nền đáy bằng vôi bột và áp dụng các kỹ thuật nuôi trong suốt quá trình nuôi. Đến nay, toàn bộ con nuôi của các hộ đều sinh trưởng phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. Từ đó nhiều hộ trong xã đã chủ động học hỏi và làm theo mô hình, nâng tổng số hộ tham gia dự án lên 30 hộ, 3ha nuôi thủy sản an toàn.

Cải tạo ao nuôi thuỷ sản của hộ anh Bùi Trọng Chinh, xóm Lê Lợi, xã Hải Lý.
Cải tạo ao nuôi thuỷ sản của hộ anh Bùi Trọng Chinh, xóm Lê Lợi, xã Hải Lý.

Không chỉ riêng xã Hải Đường, các địa phương có diện tích nuôi thuỷ sản nước ngọt trong huyện đều có những cách làm hay, đem lại hiệu quả cao như nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng màu hoặc cây cảnh để tận dụng tối đa quỹ đất. Hộ ông Trần Công Hạnh, xã Hải Châu nuôi cá diêu hồng kết hợp trồng màu; hộ ông Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông nuôi cá kết hợp với nuôi gà... Hầu hết các hộ nuôi đều chủ động chuyển đổi sang các con nuôi đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Tại nhiều xã như: Hải Ninh, Hải Sơn, Hải Quang…, các hộ nuôi đã tích cực mở rộng diện tích nuôi các con nuôi đặc sản cho giá trị thu nhập cao, gồm cá diêu hồng, trắm đen, cá lóc bông, ba ba, ếch; tích cực thay đổi phương thức nuôi, từ xen ghép các con nuôi truyền thống với con nuôi đặc sản. Ở vùng nuôi mặn lợ, đã hình thành các khu nuôi tập trung theo phương thức thâm canh và bán thâm canh, có hệ thống kênh tưới, tiêu nước phù hợp; có ao chứa lắng để xử lý nước, ao ương giống, ao nuôi thương phẩm. Những năm gần đây các hộ đã tăng cường đưa những con giống có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá bống bớp, cá vược và một số loài khác vào nuôi… Năm nay, các hộ nuôi ở vùng nước mặn lợ tập trung mở rộng diện tích nuôi giống tôm thẻ chân trắng lên trên 100ha, tăng 70ha so với năm 2010. Đây là đối tượng con nuôi có khả năng kháng bệnh cao, thời gian nuôi ngắn và phù hợp với điều kiện môi trường của huyện. Đến nay, toàn huyện đã hình thành 3 vùng nuôi tôm thẻ chân trắng lớn tại các xã: Hải Lý (15ha), Hải Chính (25ha), Hải Đông (22ha). Tại xã Hải Lý, riêng hộ anh Bùi Trọng Chinh, xóm Lê Lợi ngay từ năm 2003 đã đưa con tôm thẻ chân trắng vào nuôi với diện tích 3 sào. Khi thấy con nuôi này phù hợp với vùng đất ở địa phương, cho năng suất và thu nhập cao, anh Chinh đã đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi trên 1ha. Anh Chinh cho biết: Để nuôi thành công, anh đã tham gia các lớp tập huấn, các hội thảo chuyên đề về nuôi tôm thẻ chân trắng và áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, anh còn chủ động nắm chắc diễn biến thời tiết, khí hậu và tích cực vệ sinh môi trường ao nuôi. Năm nay gia đình anh nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích trên 1ha, dự tính thu hoạch đạt khoảng 12 tấn/năm, với giá bán bình quân trên thị trường khoảng từ 90.000-170.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí anh lãi khoảng trên 500 triệu đồng. Năm 2011, xã Hải Đông đã quy hoạch vùng chuyển đổi nuôi thuỷ sản ở 3 HTX Đông Hải, Đại Thắng và Đông Tiến. Trong đó, vùng nuôi thủy sản tập trung rộng trên 16ha, hiện có 40 hộ đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt 208 tấn, doanh thu gần 30 tỷ đồng. Vùng nuôi cá truyền thống có tổng diện tích khoảng 35ha, chủ yếu nuôi cá chim trắng, cá diêu hồng, mỗi năm thu trên 265 tấn cá, đạt giá trị trên 3,1 tỷ đồng. Vùng trang trại rộng gần 23ha, với nhiều mô hình trang trại tổng hợp như: Trang trại của ông Nguyễn Văn Luật có diện tích gần 2ha nuôi cá, gia cầm và lợn; trang trại của ông Nguyễn Văn Uẩn xóm Tây Cát có diện tích rộng trên 1,5ha, nuôi 7.000 con gà thịt và 5.000 con gà đẻ theo mô hình an toàn sinh học. Để mở rộng diện tích nuôi thủy sản, xã đã có kế hoạch chuyển đổi thêm 13ha. Từ đầu năm 2012 đến nay, xã đã thực hiện chuyển đổi thêm 7ha vùng cấy lúa, sản xuất muối năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản. Riêng vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt, xã đã có kế hoạch mở rộng diện tích theo hướng kết hợp giữa nuôi thuỷ sản, trồng màu và chăn nuôi để khai thác, tận dụng tối đa quỹ đất. UBND xã đã chỉ đạo và tổ chức nạo vét hệ thống tưới tiêu nước cho vùng nuôi tôm công nghiệp, vùng ven đê và đầm Chưng Phát, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn.

Để tạo hiệu quả cao, phát triển bền vững, huyện Hải Hậu đã thành lập các CLB nuôi trồng thuỷ sản để tháo gỡ những vướng mắc trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện hiện có 15 CLB cung ứng con giống, thuốc phòng trừ dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho các hộ nuôi. Ban chủ nhiệm CLB chịu trách nhiệm điều phối hoạt động sản xuất của các hộ nuôi để có thể cung ứng đủ vật tư, bảo đảm chất lượng, đúng thời gian và thực hiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân. Hiện nay, các  cơ sở sản xuất con giống thủy sản tại các xã Hải Lý, Hải Triều, Hải Hòa và Thị trấn Thịnh Long đã chủ động sản xuất con giống trong điều kiện thời tiết thích hợp để cung ứng con giống chất lượng cao cho các hộ nuôi trong huyện. Dự kiến, các cơ sở sản xuất giống trong huyện sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu giống của các hộ nuôi, với khoảng 60 triệu con tôm sú, 20 triệu con cua, 3 triệu con cá bống bớp, 2 triệu con cá song… Với việc thực hiện đồng bộ các điều kiện cho vụ nuôi, chắc chắn toàn bộ 2.450ha nuôi thủy hải sản của huyện Hải Hậu năm nay sẽ cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com