Giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

07:03, 31/03/2012

Đã gần hai tuần trôi qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm trần lãi suất huy động xuống 13%/năm, nhiều ngân hàng cũng đã hạ lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, mức hạ lãi suất cho vay vẫn chưa được như kỳ vọng để giúp các doanh nghiệp (DN) có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Hiện nay, các DN, nhất là DN vừa và nhỏ trên cả nước đang gặp không ít khó khăn trong việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều DN hoạt động cầm chừng, không ít DN phải đóng cửa. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các DN khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, hoặc nếu có được thì phải chấp nhận mức lãi suất khá cao. Theo phản ánh từ đại diện một số DN, thực tế lãi suất cho vay có hạ, nhưng mức hạ lãi suất chưa nhiều và số DN được hưởng mức lãi suất thấp còn ít. Nhiều DN hiện vẫn đang phải vay vốn với mức lãi suất hơn 20%/năm, có DN không vay được vốn ngân hàng vì không còn tài sản thế chấp.

Chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất cần được tiếp tục điều hành linh hoạt, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho DN. Ảnh: Internet
Chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất cần được tiếp tục điều hành linh hoạt, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho DN. Ảnh: Internet

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều DN vẫn phải vay vốn với mức lãi suất hơn 20% như hiện nay, một phần là do thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại hiện vẫn trong tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, phần lớn các ngân hàng vẫn chưa thể "tiêu hóa" hết các khoản huy động vốn với lãi suất cao, cho nên việc để ra một nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp là chưa thể thực hiện được ngay. Còn đối với những ngân hàng không gặp khó khăn trong thanh khoản thì dòng vốn lãi suất thấp cũng chưa thể tới được các DN, vì ngân hàng phải cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận, mặt khác cũng là do chính các DN không thể đáp ứng được những yêu cầu của các ngân hàng khi xét điều kiện cho vay. Với tình hình hoạt động khó khăn của các DN hiện nay, nhiều ngân hàng tỏ ra thận trọng, dè dặt cho vay, thay vào đó, chỉ tập trung thu hồi, xử lý nợ. Như vậy, DN khó có thể hy vọng ngay lập tức vay được ngân hàng với lãi suất 14,5-16,5%/năm như NHNN tuyên bố.

Mới đây, NHNN cũng đã chỉ đạo, yêu cầu năm ngân hàng là Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và MHB phải hạ lãi suất cho vay. Cuối năm, các ngân hàng này phải báo cáo cụ thể với NHNN kết quả thực hiện hạ lãi suất cho vay và coi đây là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ban lãnh đạo ngân hàng. Điều này cho thấy sự quyết tâm của NHNN giảm lãi suất cho vay để DN có thể tiếp cận được vốn. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng còn phụ thuộc tình hình thanh khoản của mỗi ngân hàng, chỉ khi vấn đề thanh khoản được giải quyết  một cách căn cơ thì ngân hàng mới có đủ điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, lạm phát tháng 3 ở mức 0,16% và trong ba tháng đầu năm nay chỉ ở mức 2,55%, mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều tháng gần đây cũng như so với các năm trước. Đây chính là cơ sở để NHNN có thể xem xét tiếp tục hạ lãi suất huy động và cho vay về mức mà DN có thể chịu đựng được. Chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất cần được tiếp tục điều hành linh hoạt, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý. Bên cạnh nỗ lực hỗ trợ từ phía các ngân hàng, bản thân các DN cũng cần cơ cấu lại lĩnh vực kinh doanh, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; đa dạng hóa các nguồn vốn để không quá bị lệ thuộc nguồn vốn của ngân hàng...

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com