Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 120 doanh nghiệp dệt may, trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 80%, chỉ có khoảng gần 30 doanh nghiệp trọng điểm, mỗi doanh nghiệp có từ vài trăm đến trên một vạn lao động. Công nghiệp dệt may đang đóng vai trò là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh về giá trị sản xuất, xuất khẩu và giải quyết việc làm. Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh vẫn có sự tăng trưởng khá. Đến hết tháng 3-2012, ngành dệt may đã sản xuất được 8.597 tấn sợi và gần 14 triệu m2 vải, gần 49 triệu bộ quần áo các loại, tổng giá trị sản xuất đạt 1.089,7 tỷ đồng bằng 120% so với cùng kỳ năm 2011.
Cty CP Dệt may Sơn Nam đã đạt tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm 2011. |
Với kết quả tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh của quý I, nhiều khả năng ngành công nghiệp dệt may tỉnh ta sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2012. Trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đang lo thiếu đơn đặt hàng, Cty TNHH Youngone Nam Định đến ngày 19-3-2012 vẫn còn khách hàng đến Cty đặt mua sản phẩm. Hiện nay, Cty đã có đủ đơn đặt hàng cho cả năm 2012. Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Cty CP Dệt may Sơn Nam cho biết: “Trong 3 tháng đầu năm, Cty đưa vào khai thác 2 nhà máy mới nên kết quả sản xuất tăng trưởng trên 40% so với cùng kỳ năm 2011. Cũng trong quý I, Cty đã ký đơn hàng với các doanh nghiệp của Mỹ, Nhật Bản, bằng 90% đơn hàng của cả năm 2011. Dự kiến mức tăng trưởng năm 2012 của Cty đạt trên 30% so với năm 2011”. Theo Ban quản lý các KCN của tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp lớn thuộc ngành dệt may hoạt động tại các KCN của tỉnh đều đã có đơn đặt hàng đủ việc trong năm 2012. Đối với các doanh nghiệp dệt may lớn, quy mô trên 1.000 lao động ở ngoài KCN cũng thông báo đã ký hợp đồng cấp hàng đến hết năm 2012.
Với việc gần 30 doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ trọng cao về sản lượng và giá trị sản xuất của ngành dệt may đều có đủ đơn hàng cả năm ngay trong quý I là căn cứ để khẳng định về kết quả khả quan trong sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may tỉnh ta năm 2012. Tuy nhiên, để hoàn thành được đơn hàng, không ít doanh nghiệp hiện nay vẫn đang đứng trước nỗi lo về vốn để đầu tư sản xuất và nguồn lao động (Hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang cần tuyển tới trên 1 vạn lao động). Bởi vậy, các ngân hàng cần tạo thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn vay, đưa đơn hàng vào tiêu chí thẩm định cho vay. Các ngành chức năng cần quan tâm, đầu tư, vận dụng cơ chế, chính sách về dạy nghề để khuyến khích người lao động học nghề, trong đó có nghề may góp phần hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất cũng như nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm của tỉnh./.
Bài và ảnh: Hoàng Long