Xã Yên Lợi (Ý Yên) có địa hình tự nhiên đa dạng với dãy núi Phương Nhi chạy dài và nhiều thùng vũng, đồng đất không bằng phẳng nên không thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp trong khi xã lại không có nghề phụ. Để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra chủ trương và tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại và phát triển nghề khai thác đá để sản xuất vật liệu xây dựng, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.
Chăn nuôi lợn tại gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Thanh Thuỷ, xã Yên Lợi (Ý Yên). |
Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp để hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, đồng thời khuyến khích các hộ dân tận dụng diện tích đất trũng để xây dựng trang trại tổng hợp. Đến nay, xã đã hình thành 3 vùng sản xuất chuyên canh là vùng cấy lúa, vùng đồng màu rộng 40ha và vùng chăn nuôi tổng hợp khoảng 30ha… Cùng với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống điện, tạo thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn qua Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thủy sản cho nông dân. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành trên 300 trang trại, gia trại chăn nuôi có mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như trang trại của ông Nguyễn Văn Sơn, xóm Nam Sơn; Trần Văn Nghiên, xóm Thanh Thủy; Nguyễn Văn Thanh, xóm Thịnh Đại, Nguyễn Việt Hùng thôn Phương Xá. Trên diện tích 2.000m2, ông Nguyễn Việt Hùng đã xây chuồng trại thành 5 dãy riêng biệt giữa lợn nái, lợn giống và lợn thương phẩm, đồng thời áp dụng mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học bằng mùn cưa, trấu được ủ lên men từ chế phẩm sinh học. Việc áp dụng phương pháp này đã tiết kiệm được nước do không phải tắm cho lợn, rửa chuồng; chất thải, thức ăn thừa của lợn hằng ngày được ủ lên men nên chất thải xả ra môi trường ít và hầu như không có mùi hôi, hạn chế tối đa các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa ở lợn… Bình quân mỗi năm, trang trại của ông xuất bán ra thị trường từ 30-40 tấn lợn hơi và hàng trăm con lợn giống cho các hộ dân trong vùng. Từ thành công của ông Hùng, đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã áp dụng mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học và được ông hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn để phát triển chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn xã Yên Lợi có trên 10 nghìn con, trong đó, trên 500 con lợn nái sinh sản phục vụ tái tạo đàn lợn giống cung ứng cho các hộ dân. Ở thôn Thanh Thủy hiện có hơn 80% số hộ dân phát triển chăn nuôi lợn với quy mô vài chục con/hộ. Cùng với chăn nuôi lợn, trên địa bàn xã Yên Lợi đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi con giống đặc sản như nhím, dê, hươu sao… Đây là hướng phát triển phù hợp với điều kiện địa hình có núi đá của địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã đứng ra tổ chức dạy nghề thêu ren và thu mua sản phẩm cho hội viên, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động nữ lúc nông nhàn.
Với việc tạo điều kiện về thủ tục hành chính và hỗ trợ tuyển dụng lao động để thu hút đầu tư về địa phương, hiện tại xã đã có 4 doanh nghiệp khai thác đá và sản xuất vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động. Trong đó, Cty CP Trường Sinh đã đầu tư trên 2 tỷ đồng mua các loại máy chuyên dụng khai thác và chế biến đá phục vụ ngành công nghiệp, xây dựng, tạo việc làm cho trên 20 lao động địa phương với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Cty đang tiếp tục đầu tư dây chuyền chế biến bột đá làm chất phụ gia công nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương. Anh Trần Văn Đông, công nhân khai thác đá của Cty cho biết: Với mức thu nhập ổn định, lại được Cty đảm bảo các chế độ về an toàn lao động, đóng BHXH, BHYT theo quy định nên chúng tôi rất yên tâm gắn bó với nghề.
Đến nay, hầu hết lực lượng lao động của xã đã có việc làm tại các doanh nghiệp, trang trại, gia trại và đều có thu nhập ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Yên Lợi những năm gần đây đạt trung bình 9%/năm; sản xuất CN-TTCN chiếm 45% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của xã. Xã đang tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng và kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã trong những năm tới theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới ./.
Bài và ảnh: Hương Tú