Theo điều tra mới đây của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phần lớn nông dân gặp khó khăn về sinh kế khi bị thu hồi đất. Bài toán vừa phát triển “tam nông” theo xu thế công nghiệp hóa, vừa đảm bảo an ninh lương thực, gìn giữ những “bờ xôi ruộng mật” quý giá, để nông dân giàu có trên mảnh đất của mình, đòi hỏi những lời giải căn cơ.
Đất nông nghiệp - mất do nhiều nguồn
Diện tích đất nông nghiệp bị mất chủ yếu do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Việt Nam trong thời gian qua mất khoảng 0,4% diện tích đất canh tác mỗi năm, riêng đất trồng lúa có tỷ lệ mất cao hơn khoảng 1%/năm.
Điều đáng nói là phần đất canh tác bị chuyển đổi mục đích lại là vùng đất tốt. Theo báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010 của Bộ TN và MT, tại một số địa phương tốc độ giảm diện tích đất trồng lúa tương đối nhanh, như các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long do chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp và đô thị, hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả…
Thu hoạch lúa (nguồn: Internet). |
Đất canh tác bị mất còn do các công trình thủy điện. Hồ tích nước của các công trình này làm ngập các thung lũng, là nơi tập trung chủ yếu ruộng lúa nước vốn rất quý hiếm ở miền núi. Ruộng ở đó không bị xói mòn, có thể cấy 2 vụ, bình quân cả năm thu được 8 tấn thóc/ha, gấp nhiều lần so với ruộng nương sườn đồi núi. Tuy nhiên, thông tin về các công trình thủy điện làm ngập hết bao nhiêu ha ruộng lúa còn rất ít. Bên cạnh đó, hàng loạt sân golf có diện tích rộng vài chục ha mỗi sân cũng chiếm dụng khá nhiều đất nông nghiệp.
Điều tra của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện tại 3 tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Nam Định cho thấy, chỉ có 8,5% người dân tại các địa phương không gặp khó khăn sau khi thu hồi đất. Trong khi đó có 50,1% gặp phải khó khăn do phải tăng mức chi tiêu cho lương thực, thực phẩm điều mà trước khi mất đất, khá nhiều hộ gia đình có thể chủ động được với những mức độ khác nhau.
Rõ ràng khi không còn đất, cuộc sống của người dân ở nông thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giữ vững quy hoạch, đảm bảo tương lai
Để tạo nên sự đột phá trong thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về “Tam nông”, theo các chuyên gia, việc đầu tiên là công tác quy hoạch sử dụng đất phải được coi là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc thực hiện quyền định đoạt về đất đai tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất kể cả hỗ trợ điều tiết thị trường bất động sản.
Việc Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, trong đó đưa ra chỉ tiêu “cứng” giữ 3,81 triệu ha đất lúa vào năm 2020 là tiền đề quan trọng.
Cùng với đó, Nhà nước có các cơ chế, chính sách rõ ràng, khuyến khích các địa phương giữ đất trồng lúa nước; điều tiết phân bổ ngân sách Nhà nước đảm bảo lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương “thuần nông”, nhất là những vùng thâm canh lúa. Mặt khác, xây dựng các quy định pháp lý động viên được người dân trồng lúa, bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người trực tiếp làm ra lúa gạo, đảm bảo có lãi tương xứng với công sức người nông dân đã đầu tư.
Cần hạn chế việc xuất thô nhiều nguyên liệu, đưa người nông dân vào chuỗi tạo ra hàng hóa nông thủy sản có giá trị cao để họ thực sự được hưởng sự giàu có từ chính mảnh đất của mình./.
Theo: monre.gov.vn