Công nghiệp dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh nên việc đẩy mạnh các giai đoạn sản xuất phụ trợ gồm nguyên phụ liệu, kéo sợi, nhuộm, in, cắt may... luôn là vấn đề được các cấp, các ngành và doanh nghiệp quan tâm. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, chủ động đầu tư phát triển các khâu phụ trợ phát triển ngành dệt may. Bên cạnh các yếu tố tạo ra chất lượng sản phẩm như máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào…, các doanh nghiệp đều đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại. Hiện nay, với các dây chuyền thiết bị hiện đại của Hàn Quốc, Nhật Bản…, các doanh nghiệp luôn phát huy thế mạnh giảm thiểu sai sót trong quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm và ngày càng thu hút được các đơn đặt hàng lớn từ các Cty dệt may uy tín trong cả nước. Tại Cty CP Dệt may Sơn Nam, để chủ động bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu với mức giá ổn định, Cty đã tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất sợi. Ngay từ năm 2005, Cty đã đầu tư xây dựng hai nhà máy sợi OE có công suất 6.000 tấn/năm tại KCN Hoà Xá; năm 2010, Cty tiếp tục đầu tư 110 tỷ đồng xây dựng nhà máy sợi số 3 theo công nghệ Đức, Italia, quy mô 2 vạn cọc, tương ứng với sản lượng gần 4.000 tấn sợi một năm chuyên dùng cho dệt các loại vải bò, kaki... Cty cũng đầu tư một nhà máy dệt khăn sản lượng 3.000 tấn/năm và liên kết với nhiều làng nghề dệt truyền thống ở các xã Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực) và một số xã của huyện Trực Ninh phát triển trên 1.000 máy dệt khăn khổ rộng. Nhờ đó, quy trình sản xuất của Cty từng bước khép kín, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng ra các thị trường tiềm năng mới. Cty CP Thúy Đạt, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) đã chủ động đầu tư xây dựng các nhà máy liên hoàn với tổng giá trị đầu tư hàng chục triệu USD, khép kín từ nguyên liệu đầu vào là xơ bông, đến thành phẩm là sợi, vải, quần áo. Cty đã triển khai trồng 3.500ha bông theo dự án vùng nguyên liệu vải sợi tại tỉnh Xiêng Khoảng (nước CHDCND Lào) với tổng mức đầu tư gần 100 triệu USD; áp dụng phương pháp chăm sóc, thu hoạch bằng cơ giới theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Cty còn đầu tư một nhà máy kéo sợi công suất gần 4.000 tấn sợi/năm; một phân xưởng dệt quy mô 100 lao động, công suất 90 tấn/năm; một phân xưởng may với quy mô 200 máy may công nghiệp. Ngoài ra, Cty còn huy động nguồn nhân lực tại các làng nghề tham gia sản xuất trong khâu dệt với số lượng trên 300 máy thủ công, đạt công suất trên 2.000 tấn/năm. Nhờ đó, ngay trong những giai đoạn toàn ngành gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, Cty không chỉ chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngày càng mở rộng xuất khẩu tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan mà còn trở thành đơn vị lớn cung ứng nguyên liệu đạt chất lượng cao cho các đơn vị cùng ngành trong nước. Hiện tại, Cty đang tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng nhà máy dệt, may tại huyện Nam Trực trên diện tích 6ha, nguồn vốn đầu tư 5 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động và xây dựng khu liên hiệp sản xuất hàng dệt, may chất lượng cao trên diện tích 20ha tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản) có mức đầu tư khoảng 65 triệu USD, dự kiến tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 700 lao động.
Sản xuất sợi ở Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định). |
Tuy nhiên theo các doanh nghiệp trong ngành dệt may, hiện nay các khâu sản xuất phụ trợ chưa tạo được đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành dệt may. Nguyên nhân do các sản phẩm phụ trợ chưa tạo được tính cạnh tranh nên chưa thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp dệt may trong nước lựa chọn sử dụng. Bên cạnh đó, sản phẩm hỗ trợ ngành dệt may còn yếu là do các đơn vị trong ngành chưa mạnh để tạo ra thị trường cho các đơn vị sản xuất sản phẩm phụ trợ đầu tư thiết bị, công nghệ chứ không phải chỉ do doanh nghiệp phụ trợ chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp may mặc trong tỉnh chủ yếu là gia công và tất cả các nguyên phụ liệu dệt may đều được đơn vị đặt gia công chuyển sang hoặc ấn định nhãn mác sản phẩm. Vì vậy, một vài doanh nghiệp trong tỉnh khi đã sản xuất tốt các sản phẩm phụ trợ cũng phải đi tìm thị trường. Để sản xuất phụ trợ phát triển mạnh, đáp ứng tốt cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may, cần có chính sách đầu tư phát triển ngành may mặc trong nước với các sản phẩm hoàn chỉnh chứ không chỉ chủ yếu gia công cho các đơn vị nước ngoài như hiện nay. Những năm gần đây các ngành chức năng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thức được việc mặc dù không nhất thiết phải phát triển đồng đều tất cả các khâu trong hệ thống sản xuất dệt may nhưng nếu tạo được mối liên hệ hữu cơ giữa các khâu trong những điều kiện sẵn có thì sẽ có tác động lớn vào việc đảm bảo tính chủ động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may trên thị trường trong nước và thế giới. Gần đây nhất, Chính phủ đã có Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ trong đó có ngành dệt may. Theo đó, các dự án công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may sẽ được ưu tiên xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất, giá thuê đất thích hợp; trong các khu, cụm công nghiệp sẽ được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, khâu xử lý rác thải môi trường. Các doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao sẽ được Nhà nước tạo điều kiện tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm. Về tài chính, các dự án, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, được vay một phần vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…
Với những chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự tiếp tục nỗ lực đầu tư phát triển các khâu sản xuất phụ trợ, chắc chắn sẽ giúp ngành dệt may của tỉnh phát triển theo đúng quy hoạch, tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn, là trung tâm dệt may lớn của cả nước ./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy