Đại Thắng phát triển kinh tế trang trại, gia trại

08:02, 01/02/2012

Xã Đại Thắng (Vụ Bản) nằm ở ven sông Đào, đất đai màu mỡ, có nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ xã về phát triển kinh tế hộ, UBND xã đã chỉ đạo Ban nông nghiệp xã rà soát hiện trạng sử dụng đất để quy hoạch vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh lúa, rau màu và vùng nuôi thủy sản. Hiện tại, xã Đại Thắng đã có hơn 100 hộ có diện tích đất chuyển đổi tập trung từ 1-3 mẫu. Riêng khu vực thùng đào thùng đấu ven đê và khu vực đê bối Đồng Tâm, UBND xã đã tổ chức đấu thầu và giao đất cho mỗi hộ từ 5-7 mẫu để đầu tư, phát triển sản xuất. Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xã đầu tư làm đường giao thông nông thôn, nâng cấp hệ thống các công trình thuỷ lợi nội đồng. Năm 2011, xã đã đầu tư 450 triệu đồng đào đắp trên 32 nghìn m3 đất thủy lợi nội đồng, làm hơn 4km đường giao thông nội đồng, đồng thời xây dựng một số công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. UBND xã giao cho Ban nông nghiệp xã, 3 HTXNN phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, lựa chọn giống cây trồng phù hợp cho xã viên. Trong năm, xã đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh (Sở KH và CN) xây dựng mô hình thí điểm sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học trong canh tác cây màu vụ đông. Các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn từ Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN và PTNT để đầu tư phát triển sản xuất; đã có 944 hộ dân được vay với tổng dư nợ là 14 tỷ đồng. Người dân trong xã đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa. Đến nay, toàn xã đã có 12 trang trại và hàng trăm gia trại tổ chức sản xuất theo mô hình: Cấy lúa kết hợp nuôi cá ở vụ xuân, sau đó chuyển sang chuyên cá trong vụ mùa; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điển hình là mô hình trang trại trồng cây cảnh tập trung của các ông: Trần Văn Thảo, Vũ Hoài Nam, Trần Văn Hữu, Trần Xuân Lại… Trong đó, gia đình ông Thảo trồng cây cảnh trên diện tích chuyển đổi từ ruộng trũng, với sản phẩm chủ yếu là cây cảnh nghệ thuật và cây phôi các loại. Năm 2011, gia đình ông Thảo đã xuất bán ra thị trường hàng vạn cây phôi, thu về gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh mô hình trồng cây cảnh, các gia trại ở các thôn Phong Vinh, Hồng Tiến, Thống Nhất đều áp dụng mô hình cấy 1 vụ lúa kết hợp với nuôi thủy sản và gia súc, gia cầm. Tiêu biểu là gia trại của các ông Nguyễn Văn Thu, Trần Văn Nhận, Hoàng Văn Kỳ… Anh Đỗ Văn Thành xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín từ việc sản xuất con giống, cung ứng thức ăn và đảm nhận cả khâu tiêm phòng và dịch vụ thú y. Năm 2010, anh thuê đất xây dựng trang trại cách xa khu dân cư, gồm 400m2 chuồng trại và các công trình phụ trợ như kho chứa thức ăn, bể nước uống cho lợn và vườn cây, ao sinh thái, tạo môi trường và khoảng cách an toàn dịch bệnh cho vật nuôi. Ngoài đầu tư vốn, anh Thành còn dành nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm ở các trại giống trong và ngoài tỉnh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên trang trại nuôi lợn của gia đình anh luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh xuất bán từ 1,2 đến 1,5 tấn lợn hơi ra thị trường.

Mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở xã Đại Thắng phát triển đã tạo cơ hội cho hàng trăm hộ dân vươn lên làm giàu. Thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân xã Đại Thắng tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại và gia trại phát triển, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của xã bình quân mỗi năm đạt từ 8-10%./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com