Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Trong đó yêu cầu các địa phương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo mục tiêu đề ra, giảm mặt bằng lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, quản lý thị trường ngoại hối, bình ổn thị trường vàng, triển khai Đề án không dùng tiền mặt thanh toán… Chỉ thị đưa ra một số chỉ tiêu mới trong thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng tín dụng. Các tổ chức tín dụng được chia thành 4 nhóm và giao chỉ tiêu tăng trưởng tối đa: nhóm 1 tăng trưởng tín dụng tối đa 17%, nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, nhóm 3 tăng trưởng tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng. Ngay sau khi có Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/CP và Chỉ thị 01 nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2012 sẽ tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 11 đối với các lĩnh vực huy động, cho vay, cho vay phi sản xuất, kiểm soát lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay và khống chế nợ xấu. Riêng với chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ căn cứ vào tiêu chí quy định để xếp nhóm đối với 14 chi nhánh tín dụng cấp 1 và Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, từ đó giao mức tăng trưởng cụ thể.
Giao dịch tại Ngân hàng thương mại CP Công thương tỉnh. |
Ngay đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cấp tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với sản xuất, kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến hết ngày 31-1-2012, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 18.650 tỷ đồng, bằng 115,4% so với cùng kỳ năm 2011. Toàn bộ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đều tăng trưởng dư nợ so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, Ngân hàng NN và PTNT tỉnh đạt dư nợ 4.975 tỷ đồng (tăng 7,4% so với cùng kỳ), Ngân hàng thương mại CP Công thương Chi nhánh Nam Định đạt dư nợ 2.272 tỷ đồng (bằng 120,7% so với cùng kỳ), Ngân hàng Đầu tư tỉnh đạt dư nợ 2.200 tỷ đồng (bằng 112,5% so với cùng kỳ), Ngân hàng Phát triển đạt dư nợ 1.003 tỷ đồng (bằng 128,8% so với cùng kỳ)… Các ngân hàng đều chủ động nguồn vốn, đủ đáp ứng yêu cầu vay của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Tháng 12-2011 và tháng 1-2012, Ngân hàng NN và PTNT tỉnh đã dành 500 tỷ đồng cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, nguồn vốn của đơn vị đảm bảo tiếp ứng đủ nhu cầu của các khu vực vay khác. Cũng theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, dù không thiếu vốn nhưng các ngân hàng đều tăng cường công tác huy động vốn nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân đưa vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy hạ lãi suất cho vay, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay. Đến hết tháng 1-2012, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 13.106 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2011. Bên cạnh việc tăng cường huy động vốn, cho vay vốn phục vụ phát triển kinh tế, công tác cho vay hỗ trợ lãi suất tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Đến nay các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho 66 nghìn lượt khách hàng, hỗ trợ lãi 320 tỷ đồng, giúp nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh giảm bớt khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với những định hướng trên, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục đóng góp hữu hiệu vào việc thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2012./.
Bài và ảnh: Hoàng Long