Tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt

02:02, 23/02/2012

Nước ta hiện có khoảng 40 triệu thẻ ATM do các ngân hàng (NH) phát hành, trong đó hơn 83% giao dịch là rút tiền mặt, hơn 16% còn lại chuyển khoản và chỉ chưa đầy 1% để thanh toán. Ngoài việc rút tiền, một chức năng tiện lợi của thẻ ATM là phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng chức năng này lại chưa được phát huy.

Chạy theo số lượng

Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ có thẻ ATM mà còn qua các hình thức khác như ủy nhiệm chi, séc, chuyển khoản… Trong các kênh này, ATM mang tính chất "đại chúng" nhất nhưng lại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Có thể kể ra hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất: Việc phát hành thẻ thanh toán của các NH, trong đó có ATM đang chạy theo số lượng hơn chất lượng. Chiến lược mở rộng sau đó nâng chất không phải là không hợp lý nhưng xác định thời điểm nào mở thời điểm nào nâng cần có sự tính toán, cân đối một cách bài bản. Thử đặt vấn đề trong khoảng 40 triệu thẻ ATM hiện nay có bao nhiêu thẻ hoạt động và bao nhiêu thẻ "chạy theo doanh số cho có"? Một nhân viên văn phòng sở hữu từ 3-5 thẻ NH là chuyện bình thường nhưng thực chất chỉ dùng 1 đôi khi là 2.

Khách hàng rút tiền bằng thẻ ATM. Ảnh: pv
Khách hàng rút tiền bằng thẻ ATM.

Thứ hai: Hiện tại, các công cụ hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt quá thiếu. Chẳng hạn, công nhân tại các khu công nghiệp, sở hữu một số lượng thẻ ATM không nhỏ, nhưng khi đi chợ làm sao dùng thẻ ATM để thanh toán? Trong khi đi siêu thị thì đời sống công nhân không dư dả đến mức có thể thường xuyên và thói quen thanh toán qua thẻ cũng chưa nhiều.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật Basico: Ngành NH cũng chưa tích cực tuyên truyền về vấn đề sử dụng thẻ để thanh toán thay vì chỉ để rút tiền. Nhiều người biết thẻ ATM có những chức năng này nọ nhưng lại không biết dùng như thế nào. Số thẻ ATM được sử dụng hiệu quả hiện nay có lẽ chỉ vào tầm 1/3 con số. Có thể thấy đó là một sự lãng phí.

Nâng dần chất lượng

Ông Hồ Ngọc Bạch, Phó Trưởng phòng Nguồn vốn NH TMCP Đại Á nêu quan điểm: Đã đến lúc cần một chiến lược tổng thể, phối hợp giữa các thành phần quan trọng trong nền kinh tế để có thể triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trước mắt, cần có sự phối hợp giữa NH và hệ thống bán lẻ. Thực tế, trong kênh bán lẻ, nhiều đơn vị mặc dù đủ cơ sở để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt nhưng họ lại "không thích". Lý do ngoài vấn đề thói quen, tư duy còn những vấn đề khá tế nhị khác, chẳng hạn vấn đề thuế.

Về phía NH, khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là qua thẻ cũng đồng nghĩa khuyến khích người dân sử dụng thẻ. Và nhờ vậy, NH có thể huy động được một lượng tiền với lãi suất khá tốt và có thể sinh lợi trên đó. Nhưng vấn đề là ý thức và sự phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt. Có thể lấy thí dụ, việc chiết khấu thanh toán cho người sử dụng thẻ 0,1-0,2% đã được nói đến từ lâu, nhưng việc triển khai rất chậm. Trong khi nếu đẩy mạnh thanh toán qua thẻ, kênh bán lẻ có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Luật sư Trương Thanh Đức chỉ ra một tồn tại là có nhiều liên minh thanh toán như Smartlink Card, VNBC… nhưng việc liên kết với nhau hết sức chậm chạp. Điều này tạo ra sự rối rắm. Người tiêu dùng sử dụng thẻ lại phải tìm hiểu liên minh của thẻ này bao gồm những NH nào. Hiện tại, công cụ dễ thấy nhất để hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt là các máy cà thẻ. Nhưng trong nhóm máy cà thẻ cũng có nhiều vấn đề. Chẳng hạn, nhiều NH có thiết lập máy cà thẻ dành cho thẻ ATM của mình tại các siêu thị, nhưng mỗi NH lại mỗi máy và siêu thị này có máy cà thẻ của NH này nhưng siêu thị khác lại không có, rốt cuộc người sử dụng chẳng biết chọn thẻ nào. Máy cà thẻ quen thuộc hơn dành cho các loại thẻ tín dụng (VISA/Master Card) nhưng nhiều nơi lại thu phí khi thanh toán bằng những loại thẻ này thay vì khuyến khích. Cũng có trường hợp NH tập trung phát hành các loại thẻ tín dụng quốc tế, kích thích tiêu dùng bằng cách tạo ra chương trình khuyến mại kiểu như "cà thẻ trúng thưởng" nhưng lại bỏ quên thẻ ATM.

Th.s Đào Trung Kiên bổ sung: Về vấn đề thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, thiết nghĩ ngoài việc tuyên truyền, phổ biến cần có những biện pháp chế tài "mềm" cũng như việc đội mũ bảo hiểm, nhờ cả tuyên truyền lẫn chế tài, chúng ta đã thành công. Chúng ta có thể quy định thanh toán không dùng tiền mặt tại một số địa điểm trong khu vực thành thị. Chẳng hạn, những người đã bước vào những trung tâm thương mại cao cấp và mua sắm, phần lớn đều có mức thu nhập khá và sở hữu thẻ thanh toán. Nếu áp dụng quy định này vào cũng không gây quá nhiều phiền toái nhưng có thể tạo thành "nếp" để triển khai rộng hơn. Gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã có những động thái quyết liệt trong việc "quy hoạch" hệ thống thẻ ATM. Chẳng hạn sẽ tiến hành thu phí giao dịch sau khi thống nhất được tất cả các máy ATM trên toàn quốc nhưng mức thu phí sẽ theo lộ trình.

Vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ gói gọn trong việc tạo kênh thanh toán thuận tiện, giảm tải cho máy ATM và đem lại lợi ích trong giao thương. Sâu xa hơn, nhờ thanh toán không dùng tiền mặt, Nhà nước có thể kiểm soát tốt dòng tiền của nền kinh tế, từ đó có những chính sách vĩ mô phù hợp. Việc nhận diện những động thái như đưa tiền bẩn vào nền kinh tế, rửa tiền hay tẩu tán tài sản cũng dễ dàng hơn rất nhiều./.

Theo: Báo Thời nay



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com