Trong 3 năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả, từng bước giảm bớt tâm lý sính dùng hàng ngoại, bước đầu hình thành thói quen dùng hàng nội của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để hình thành được nét đẹp văn hoá mua và sử dụng hàng sản xuất trong nước, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Từng bước thay đổi tâm lý sính dùng hàng ngoại
Tết Nhâm Thìn vừa qua, thay bằng việc mua bánh kẹo ngoại như mọi năm, chị Trần Thị Thoa, ở đường Nguyễn Đức Thuận, phường Thống Nhất (TP Nam Định) chọn mua một số bánh kẹo do các Cty trong tỉnh, trong nước sản xuất như Nguyên Hương, Hải Hà, Hải Châu, Trường An. Theo chị Thoa, các loại bánh kẹo của các Cty này mẫu mã đa dạng, chất lượng không thua kém hàng ngoại trong khi giá cả lại hợp lý. Trước đó, chị Thoa đã mua một bộ chăn ga, gối đệm do Cty CP May Sông Hồng sản xuất, cả nhà chị đều rất hài lòng. Anh Trần Văn Hà, một nông dân ở xã Nam Dương (Nam Trực) cho biết, nghe nhiều người ca ngợi chất lượng máy đập lúa của các doanh nghiệp ở làng nghề cơ khí Kiên Lao, Xuân Tiến (Xuân Trường), trong năm anh đã tìm xuống tận nơi chọn mua một chiếc máy tuốt lúa của Cty TNHH Nhật Việt. Vụ mùa vừa qua, ngoài làm mấy sào ruộng của nhà, anh Hà còn nhận tuốt lúa thuê và đã thu được gần đủ vốn đầu tư mua máy. Nói về việc chọn mua, sử dụng hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, những người tiêu dùng như chị Thoa, anh Hà lý giải rất đơn giản: Cùng loại, cùng chất lượng, giá cả lại hợp lý vậy tại sao lại không chọn mua các sản phẩm nội để ủng hộ các nhà sản xuất trong nước, thiết thực góp phần phát triển kinh tế nước nhà?
Bánh kẹo Kinh Đô là một trong những sản phẩm nội được người tiêu dùng trong nước tin dùng (Ảnh chụp tại cửa hàng số 321 đường Hoàng Văn Thụ, TP Nam Định). |
Đồng chí Bùi Tân Tiến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết: Nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa to lớn của cuộc vận động, thời gian qua Ban chỉ đạo, các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các thành viên, đoàn viên, hội viên, gia đình và các khu dân cư trong tỉnh tham gia thực hiện cuộc vận động, thiết thực góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Thực tế cho thấy, bước đầu cuộc vận động đã nâng cao nhận thức, từng bước tạo thói quen lựa chọn mua, sử dụng hàng Việt trong nhân dân; động viên, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước nỗ lực vươn lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước… Các sở, ban, ngành của tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi một số cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở KH và ĐT thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất. Sở NN và PTNT tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản. Sở Công thương tăng cường các hoạt động quản lý thị trường, xử lý các hành vi gian lận thương mại, góp phần làm lành mạnh hoá thị trường. Không kể các doanh nghiệp lớn của cả nước, thời gian qua một số doanh nghiệp của tỉnh đã nỗ lực vươn lên, có chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả, sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, giá cả hợp lý, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Một số sản phẩm, thương hiệu đã có chỗ đứng vững trên thị trường như chăn ga gối đệm Sông Hồng, dược phẩm Nam Hà, kẹo Sìu Châu Nguyên Hương, máy phục vụ sản xuất nông nghiệp Nhật Việt, đồ gỗ mỹ nghệ Ý Yên, sản phẩm cơ khí của các làng nghề cơ khí ở Nam Trực, Xuân Trường, gạo tám xoan Hải Hậu, các sản phẩm may mặc của các Cty trên địa bàn Thành phố Nam Định… Nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm nội địa với người tiêu dùng, mới đây, tỉnh đã đăng cai tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm CN-TTCN, làng nghề và hàng tiêu dùng khu vực Đồng bằng sông Hồng. Hội chợ thu hút 142 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với trên 300 gian hàng trưng bày sản phẩm, trong đó có trên 130 gian hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh. Sản phẩm tham gia hội chợ khá đa dạng, gồm: sản phẩm dệt may, da giầy, ô tô, xe máy, điện tử, công nghệ thông tin, lương thực, thực phẩm chế biến, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, VLXD, trang trí nội thất… Trong thời gian diễn ra hội chợ đã có hàng nghìn người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm, nhiều doanh nghiệp đã bán được khối lượng sản phẩm lớn, trị giá hàng tỷ đồng…
Góp phần tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước
Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng hiệu quả triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn chưa được như mong muốn. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sính dùng hàng ngoại. Ngoài một số mặt hàng, thương hiệu được người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên lựa chọn, nhiều sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước sản xuất chưa được tin dùng vì còn băn khoăn về chất lượng, giá cả. Nguyên nhân của những hạn chế trên trước hết là do người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh chưa thực sự quyết liệt. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cuộc vận động ở một số ban, ngành, đơn vị, địa phương còn lúng túng, nặng tính hình thức. Cuộc vận động được xác định là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chinh phục niềm tin của người tiêu dùng song nhiều doanh nghiệp chưa tạo được sự bứt phá, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, phù hợp nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nội địa…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh và để cuộc vận động thực sự là động lực thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước, trước hết các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh cần quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất. Các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm, thói quen mua, sử dụng hàng Việt, coi đó là sự thể hiện lòng yêu nước, là hành động thiết thực thúc đẩy sản xuất, tạo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, MTTQ, các tổ chức thành viên như LĐLĐ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… cần tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân ưu tiên mua, sử dụng hàng Việt gắn với phong trào thi đua yêu nước “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội” do tỉnh phát động. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần nỗ lực vươn lên, có chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chú trọng thị trường tiêu thụ nội địa, đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp các sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu, khả năng của người tiêu dùng. Chú trọng sản xuất, đưa hàng hóa về địa bàn nông thôn để tăng sức mua của người dân ở thị trường này./.
Bài và ảnh: Duy Hưng