Nhà máy gạch tuynel Nam Thắng (Nam Trực) tạo việc làm ổn định cho hơn 120 lao động với thu nhập bình quân từ 3,8-4 triệu đồng/người/tháng. |
Vụ xuân 2012, xã Nam Thắng (Nam Trực) cấy hơn 300ha với cơ cấu: các giống lúa thuần có chất lượng cao như Bắc Thơm số 7, NĐ1 chiếm 60% diện tích, phần còn lại cấy giống lúa lai như D.ưu 527. Từ kinh nghiệm sản xuất ở vụ xuân 2011, xã tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ lên 270ha, chiếm hơn 90% diện tích (tăng hơn 180ha so với vụ xuân năm 2011). Vụ xuân 2012 cũng là năm đầu tiên xã được Bộ NN và PTNT chọn thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đồng chí Đỗ Văn Nạc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn thí điểm ở xã có diện tích 33ha tập trung ở thôn Dương A. Từ ngày 10-2, xã đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung gieo sạ. Trước đó, Ban Nông nghiệp xã đã tập huấn quy trình kỹ thuật gieo sạ, hỗ trợ các hộ dân bơm tát, diệt ốc bươu vàng, chuột, đồng thời thực hiện cấy lúa đồng trà, đồng giống. Đến nay, toàn bộ diện tích gieo sạ đều phát triển tốt”. Ở vùng bãi bồi ven sông, xã khuyến khích các hộ dân đưa các giống cây mới có hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng. Anh Lâm Văn Đệ ở xóm 2, thôn Đại An cho biết: “Từ tháng 11-2011, gia đình tôi nhận đấu thầu hơn 4ha đất của xã để trồng cây cỏ ngọt. Hiện tại, năng suất cây cỏ ngọt đạt 4-4,5 tạ/sào, 3 tháng cho thu hoạch một lần. Trừ các chi phí, mỗi sào gia đình tôi thu hơn 10 triệu đồng”. Cây cỏ ngọt (còn được gọi là cúc mật, cỏ mật) được sử dụng để thay thế các loại đường hoá học, có tác dụng làm giảm huyết áp và có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường. Cây cỏ ngọt dễ trồng, dễ chăm sóc và không kén đất; quy trình nhân giống cũng đơn giản, vốn đầu tư không cao. Để mô hình trồng cỏ ngọt thành công, anh Đệ đã tham quan học hỏi kỹ thuật gieo trồng ở tỉnh Nghệ An, đồng thời mời kỹ sư của Trường Đại học Nông nghiệp I về trực tiếp hướng dẫn quy trình nhân giống. Hiện nay, nghề trồng cỏ ngọt ở xã thu hút hơn 40 lao động thời vụ với mức thu nhập hơn 60 nghìn đồng/ngày. Thời gian tới, anh Đệ sẽ tiếp tục đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng xưởng sấy khô cỏ ngọt với công suất dự kiến 4 tạ cỏ khô/ngày. Ngoài ra, xã tạo điều kiện cho các hộ trồng thí điểm cây lúa mì với diện tích gần 1ha ở vùng bãi bồi ven sông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Xã có kế hoạch chuyển đổi hơn 30ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, phát triển mô hình VAC tổng hợp. Các ông Phùng Văn Thành ở xóm 3, ông Phạm Văn Hậu ở xóm 8, Lâm Văn Độ ở xóm 1 là những hộ nuôi thuỷ sản đạt hiệu quả cao. Diện tích vườn tạp được các hộ dân chuyển đổi sang trồng cây cảnh với tổng diện tích hơn 90ha. Nhiều hộ đạt thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm như hộ ông Lâm Văn Sơn ở xóm 2; Bùi Văn Vi ở xóm 8; Bùi Sỹ Thể ở xóm 13... Cùng với đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, trên vùng bãi bồi ven sông Hồng, xã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2011, nhà máy gạch tuynel Nam Thắng sản xuất hơn 25 triệu viên gạch các loại, tạo việc làm ổn định cho hơn 120 lao động với thu nhập bình quân từ 3,8-4 triệu đồng/người/tháng. Đầu năm 2012, nhà máy tiếp tục đầu tư hơn 1 tỷ đồng nâng cấp hệ thống xe nâng, máy xúc, nhà phơi, kho chứa nguyên liệu giúp giảm tải lao động thủ công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thời gian tới, xã Nam Thắng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tập trung vào các giống lúa đạt năng suất, chất lượng cao, đồng thời đưa vào khảo nghiệm các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, khuyến khích các hộ đưa nghề mới về xã để nâng cao thu nhập cho nhân dân./.
Bài và ảnh: Đức Toàn