Kiểm soát lạm phát ngay từ những tháng đầu năm

09:02, 09/02/2012

Tháng 1 vừa qua, mặc dù là tháng Tết Nguyên đán nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước chỉ tăng ở mức 1% so tháng trước. Đây là mức tăng nhẹ so mức tăng CPI trong năm tháng qua và là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ trong vòng ba năm gần đây. CPI tháng 1 cho thấy tình hình giá cả thị trường  hàng hóa, dịch vụ biến động nhẹ, sức mua tăng thấp so các năm trước đây. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là, con số CPI tháng 1 vừa qua được tính toán trên cơ sở số liệu tổng hợp từ ngày 15 tháng trước (15-12-2011) đến ngày 15 của tháng sau (15-1-2012) cho nên mới chỉ phản ánh một phần giá cả thị trường dịp trước Tết Nguyên đán. Như vậy, những biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình dịp trong và sau Tết Nguyên đán sẽ được phản ánh đầy đủ vào CPI của tháng 2 này, khiến con số CPI tháng 2-2012 được dự báo cũng sẽ tăng ở mức tương đương tháng 1 vừa qua.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định.  Ảnh: Hoàng Long
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam
Chi nhánh Nam Định.
Ảnh: Hoàng Long

Có thể thấy, mức tăng nhẹ của CPI trong tháng đầu năm 2012 không thể khiến chúng ta chủ quan, lơ là với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. CPI trong những năm gần đây có tháng đã diễn biến không theo quy luật hằng năm bởi nhiều yếu tố tác động. Kết thúc năm 2011, lạm phát đã lên tới 18,13%, mức tăng cao so nhiều nước trong khu vực. Chính vì thế, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là một trong những mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Năm nay, mục tiêu được Chính phủ đề ra là kéo mức tăng của CPI xuống dưới một con số. Nhìn lại năm 2011, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả. Cung tiền trong nhiều năm qua có sự nới lỏng quá mức là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao ở nước ta. Song, với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thì cung tiền đã được thắt chặt lại, tổng phương tiện thanh toán năm 2011 ước tính chỉ tăng 10% so tháng 12-2010, tổng dư nợ tín dụng tăng 12%. Với chính sách tài khóa thắt chặt, chi tiêu của Chính phủ cũng đã giảm, năm 2011, bội chi ngân sách Nhà nước chỉ còn bằng 4,9% GDP, giảm nhiều so năm 2009 là 6,9% GDP, năm 2010 là 5,6% GDP, góp phần giảm tổng cầu, không tạo áp lực đến mặt bằng giá (nguyên nhân lạm phát do "cầu kéo")...

Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ là khả quan. Vì vậy, trong năm 2012, các giải pháp đề ra trong nghị quyết này cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, nhất quán. Chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chặt chẽ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát. Từng bước giảm dần lãi suất huy động và cho vay để bảo đảm vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm. Năm 2012, công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu giữ vai trò quan trọng. Việc tăng giá điện, than, xăng dầu thời gian qua mặc dù được thực hiện theo lộ trình nhưng đã gây ảnh hưởng nhất định đến giá thành nhiều mặt hàng sản xuất trong nước, do đó việc điều chỉnh giá các mặt hàng này trong năm 2012 cần tính toán thời điểm, liều lượng một cách thích hợp, hạn chế thấp nhất nguyên nhân lạm phát do chi phí sản xuất tăng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường, kiểm soát tính toán chi phí đầu vào từ khâu sản xuất, lưu thông đến khâu phân phối để chống tình trạng đầu cơ nâng giá, tăng giá bất hợp lý; hình thành và phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa để bảo đảm tính liên thông, giảm dần các khâu trung gian đẩy giá hàng hóa tăng cao...
Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất ổn định các cân đối vĩ mô và đẩy lạm phát tăng cao thời gian qua chính là cơ cấu nền kinh tế bất hợp lý, kém hiệu quả. Vì vậy, nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng lạm phát cao./.

Thu Hà
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com