Hỗ trợ diêm dân khắc phục khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

05:02, 11/02/2012

Xã Bạch Long (Giao Thuỷ) có gần 230ha sản xuất muối và là địa phương làm muối nhiều nhất tỉnh. Tuy nhiên, diện tích làm muối đang ngày càng giảm dần do thu nhập từ nghề làm muối thấp, không đảm bảo cuộc sống. Thu nhập bình quân của một lao động làm muối chưa được 600 nghìn đồng/tháng. Vì vậy những năm gần đây, phần đông lao động chính của địa phương đều đi làm ăn xa, lao động làm muối chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em...

Sản xuất muối tại xã Giao Phong (Giao Thuỷ). Ảnh: Internet
Sản xuất muối tại xã Giao Phong (Giao Thuỷ).

Toàn tỉnh hiện có gần 850ha đất sản xuất muối. Trước thực trạng nhiều diện tích sản xuất muối bị bỏ hoang, ngoài việc tuyên truyền, vận động diêm dân tiếp tục bám nghề, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ diêm dân. Năm 2011, UBND tỉnh đã trích trên 500 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn để hỗ trợ triển khai 6 mô hình sản xuất muối sạch và mô hình chuyển đổi vị trí chạt lọc, sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt, nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất muối. Năm 2011, với chính sách thu mua muối của nhà nước, đời sống của diêm dân đã được cải thiện nhưng sau đó giá muối lại xuống thấp nên đời sống của diêm dân tiếp tục khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trịnh Ngọc Chu, Chủ nhiệm HTX muối cá Bạch Long cho biết: “Nhà nước đã có chính sách quan tâm đến ngành sản xuất muối, năng suất muối đã được nâng lên song giá thu mua muối không ổn định nên thu nhập của diêm dân còn thấp so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, các HTX sản xuất muối còn thiếu vốn đầu tư cho sản xuất và kinh doanh nên chưa thực hiện tốt chức năng tiêu thụ sản phẩm cho xã viên”. Năm 2011, tổng diện tích sản xuất muối của huyện Giao Thủy đạt gần 480ha với trên 9.000 lao động tham gia sản xuất, cung ứng cho thị trường gần 42 nghìn tấn muối. Thời gian qua, trên địa bàn huyện có 8 cơ sở thu mua, chế biến muối sạch, muối i-ốt cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề cho nông dân, chỉ đạo các HTX muối hướng dẫn, hỗ trợ diêm dân trong sản xuất, chuyển đổi vị trí chạt lọc. Bên cạnh đó, huyện tạo thuận lợi cho các hộ diêm dân có điều kiện chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và tham gia phát triển ngành nghề để có thêm thu nhập... Đồng chí Trần Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng, cho biết: “Diêm dân vất vả để làm ra hạt muối, nhưng khi bán lại luôn bị tư thương ép giá. Nhiều nguồn vốn tín dụng đưa về nông thôn, nhưng diêm dân ít tiếp cận được vì họ không có tài sản để thế chấp”. Mong muốn của diêm dân là Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu tiên, trợ giúp đối với nghề muối và người trực tiếp sản xuất muối thông qua việc hỗ trợ diêm dân được vay vốn đầu tư để nâng cấp hệ thống đường, cống lấy nước, phương tiện làm muối hằng ngày, giúp diêm dân tiêu thụ  hết số muối hiện có, tránh để tư thương ép giá. Bên cạnh đó, địa phương cần có chính sách hỗ trợ diêm dân, du nhập thêm nhiều ngành nghề khác, tạo việc làm, thu nhập ổn định./.

Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com