Những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội của xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) có nhiều khởi sắc. Xã đã khai thác hiệu quả thế mạnh kinh tế thuỷ sản với con nuôi chủ lực là ngao kết hợp với phát triển kinh tế trang trại, gia trại và thương mại dịch vụ.
Cơ sở sản xuất lưới bả nuôi ngao của chị Phạm Thị Dung tại xóm Thị Tứ, xã Giao Xuân. |
Hiện tại, xã có gần 600 hộ nuôi ngao với diện tích 320ha. Năng suất thu hoạch ngao trung bình của các hộ từ 60-70 tấn/ha, có hộ đạt hơn 100 tấn/ha như hộ ông Phạm Văn Thực, Nguyễn Trường Cửu... Anh Đinh Văn Thân ở xóm Xuân Tiên cho biết, hiện tại, gia đình anh có trang trại sản xuất ngao giống với diện tích 10ha và hơn 20ha đầm nuôi ngao thương phẩm. Với năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha/năm, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh lãi hơn 1 tỷ đồng/ha. Các hộ nuôi ngao trong xã đã chuyển từ làm ăn riêng lẻ sang hợp tác theo nhóm 3 đến 5 hộ tạo nên tổ hợp tác nuôi ngao bền vững nhằm hỗ trợ nhau về tài chính, trao đổi kinh nghiệm sản xuất ngao giống và ngao thương phẩm, áp dụng chung quy tắc sản xuất an toàn, hỗ trợ nhau nâng cao vị thế trên thị trường để phát triển bền vững. Nghề nuôi ngao không chỉ giúp các hộ thu lợi lớn về kinh tế mà còn tạo thuận lợi để phát triển các cơ sở dịch vụ. Hiện tại trên địa bàn xã có 30 tàu chuyên chở cát tạo bãi nuôi ngao, 2 đại lý chuyên sản xuất lưới bả, 2 cơ sở sản xuất cơ khí và hơn 1.000 lao động đảm nhận các khâu trong quy trình nuôi ngao như xối cát, thu hoạch, đóng gói, chuyên chở ngao xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước. Chị Phạm Thị Dung ở xóm Thị Tứ cho biết: “Nắm bắt nhu cầu về lưới bả nuôi ngao ở xã, gia đình tôi đã đầu tư 6 máy may để may hơn 20 loại lưới, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn lưới bả các loại”. Xã cũng đã quy hoạch chuyển đổi được hơn 21ha dọc chân đê để phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp theo mô hình lúa cá. Trang trại của anh Đinh Văn Hưng ở xóm Xuân Tiên có 2,5ha trong đó 1,3ha ao nuôi thả cá truyền thống và cá lóc bông, diện tích còn lại anh xây dựng chuồng nuôi 30 con lợn thịt, 200 con gà vịt và 5 con bò, tổng cộng mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng. Khai thác thế mạnh từ biển, xã Giao Xuân còn phát triển nghề sản xuất chế biến sứa như hộ các ông Hoàng Chung, Nguyễn Văn Ruệ ở xóm Xuân Châu. Mỗi năm, mỗi cơ sở sơ chế được hơn 2.000 tấn sứa phục vụ thị trường chế biến sứa trong tỉnh, tạo việc làm thời vụ cho hơn 40 lao động với thu nhập bình quân từ 300-400 nghìn đồng/người/ngày.
Phát triển kinh tế thuỷ sản bền vững đã nâng cao đời sống của các hộ dân. Năm 2011, tổng thu ngân sách của xã Giao Xuân ước đạt 110 tỷ đồng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn