Xã Giao Thanh (Giao Thủy) là vùng quê thuần nông, cốt đất không đồng đều nên sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên diện tích đất trồng lúa, xã xây dựng cơ cấu cấy 40-45% lúa lai bằng các giống Nhị ưu 838, D.ưu 527, D.ưu 725 và các giống lúa thuần ngắn ngày, có tiềm năng năng suất chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt như QR2, NĐ5, GS9, TBR45. Vụ xuân 2012, xã cấy hơn 14ha giống NĐ5, tập trung ở các thôn Thanh Châu, Thanh Tân. Diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả ở xóm Thanh Hùng, xã cho các hộ thuê đất chuyển đổi sang mô hình VAC tổng hợp. Anh Trần Văn Hinh, xóm Thanh Hùng cho biết, được xã tạo điều kiện cho thuê hơn 0,6ha đất để xây dựng gia trại chăn nuôi tổng hợp. Gia đình anh đầu tư nuôi cá rô phi đơn tính, đàn vịt đẻ hơn 700 con cùng với 4 con trâu đẻ, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. Năm 2012, anh sẽ dành 1,5 sào để nuôi cá rô phi đơn tính… Xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về thú y, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thu hút nhiều hộ dân tham gia. Bởi vậy, những năm qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã không để xảy ra. Các hộ nuôi lợn quy mô lớn trong xã đều xây dựng hầm biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Năm 2011, gia đình anh Trần Tiên Đoán ở thôn Thanh Giáo, xã Giao Thanh (Giao Thuỷ) thu lãi gần 2 tỷ đồng từ nghề trồng cây cảnh. |
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Giao Thanh tập trung phát triển ngành nghề, tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Nghề đan móc sợi đã thu hút gần 300 lao động tham gia, tập trung ở các thôn Thanh Minh, Thanh Nhân, Thanh Giáo. Xưởng đồ gỗ mỹ nghệ của anh Vũ Xuân Nghinh ở thôn Thanh Nhân tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với thu nhập từ 140-180 nghìn đồng/ngày. Sản phẩm của xưởng đa dạng từ bàn ghế, sập gụ, tủ chè giả cổ đến các mặt hàng gỗ tiêu dùng như giường tủ, bàn ghế dân dụng… Hằng năm xưởng gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Nghinh có lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hơn 7 cơ sở sản xuất đồ gỗ khác, mỗi cơ sở tạo việc làm cho 4-6 lao động. Nghề trồng cây cảnh cũng phát triển, thu hút được hơn 100 hộ dân tham gia. Tiêu biểu là các hộ ông Đinh Văn Định (thôn Thanh Giáo), Vũ Duy Đương (thôn Thanh Minh), Phạm Việt (thôn Thanh Mỹ)… đều có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây cảnh.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mở rộng ngành nghề, dịch vụ theo hướng đa dạng, phù hợp với đặc điểm địa phương đã nâng thu nhập bình quân đầu người ở xã Giao Thanh đạt 15 triệu đồng/năm./.
Bài và ảnh: Đức Toàn